Tuesday, December 30, 2014

LỊCH ĐỂ BÀN ĐẾ GỖ - THỬ THÁCH CUỐI NĂM 2014

     Lịch để bàn là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp khi chọn làm quà tặng cho khách hàng, đối tác và nhân viên vào mỗi dịp năm mới. Và khi nhắc đến lịch để bàn, mọi người thường nghĩ ngay đến lịch chữ A, chữ M. Đây cũng là hai loại lịch phổ biến nhất vì nhiều yếu tố: tiện dụng, gọn nhẹ, dễ sắp xếp, dễ ghi chú… 

Lịch để bàn chữ A.


Lịch để bàn chữ M.

      Nhưng đôi khi sự “quen thuộc” lại trở thành một “yếu điểm”, nhất là khi khách hàng cần sự mới mẻ, khác biệt. Rita Võ là một khách hàng như vậy. Với mong muốn tạo được dấu ấn riêng, họ đã đề nghị một kiểu lịch để bàn khác lạ, độc đáo nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu tiện dụng và có thể ghi chú được. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, SDmedia đã đề xuất nhiều loại lịch để bàn, tuy đã có ở nước ngoài nhưng vẫn còn khá mới mẻ trên thị trường lịch Việt Nam. 

                                 
Kiểu lịch đế inox.


                              
Kiểu lịch đế nhựa.

Cuối cùng, khách hàng Rita Võ đã lựa chọn loại lịch, mà chúng tôi tạm gọi là “lịch để bàn đế gỗ”.

                                
Kiểu lịch đế gỗ mà khách hàng chọn.

     Tuy nhiên, từ “ý tưởng” đi đến “thực tế” là một câu chuyện hoàn toàn khác, nhất là khi lần đầu tiên SDmedia nhận dự án lịch này và cũng ít có đơn vị in ấn, gia công ở Việt Nam từng thực hiện. Vấn đề khác nữa là thời gian, khách hàng quyết định vào thời điểm cận cuối năm, chúng tôi gần như phải “chạy đua” với thời gian khi đang bận rộn với nhiều dự án và các đơn vị in cũng kín lịch với các hợp đồng khác. Khó khăn chồng chất khó khăn, dự án này quả là một bài toán khó nhưng SDmedia vẫn quyết tâm đi tìm lời giải. 

     Bước đầu tiên: Hoàn thiện ý tưởng thiết kế
     Rita Võ là một công ty lớn, kinh doanh đa dạng, vì vậy chọn lựa một chủ đề lịch hợp với công ty cũng là một thách thức. Và chúng tôi quyết định chọn shape “ngôi nhà” vì nhiều lý do: ngôi nhà là biểu tượng của mái ấm, tình thân và hạnh phúc. Bản thân công ty Rita Võ có nhiều mặt hàng kinh doanh liên quan đến gia đình như nội thất bếp, phòng khách… Ngoài ra, đối tượng chính họ nhắm đến trong lần tặng lịch này là các kiến trúc sư, nên shape “ngôi nhà” đã trở thành sự lựa chọn hoàn hảo.

Tờ lịch với shape ngôi nhà ban đầu.

     Tuy nhiên, kiểu ngôi nhà ban đầu của tấm lịch có vẻ hơi giống các hình dạng khác như mũi tên, ngòi bút... Chính vì vậy chúng tôi đã bổ sung thêm hình ống khói nhằm tạo được hình dáng ngôi nhà rõ nét hơn, bên cạnh đó đáp ứng được yêu cầu có thêm không gian để bổ sung thông tin của khách hàng. Phần thiết kế thông tin trên lịch cũng được chỉnh sửa lại để dễ nhìn và thu hút hơn.

                       
Thiết kế tờ lịch cuối cùng sau khi chỉnh sửa.

    Đế gỗ đựng lịch thì được thiết kế dễ dàng hơn, với điểm nhấn là logo công ty được cán lụa màu đỏ. Chỉ duy nhất một điều cần chú ý là độ lọt và nghiêng của khe hở để có thể để vừa các tấm lịch.

                         
Thiết kế đế gỗ của lịch.

     Hộp đựng lịch là một trong những điểm tâm đắc của chúng tôi. Hầu như những kiểu lịch để bàn đế gỗ từ nước ngoài cũng không có hộp đựng riêng. Bản thân SDmedia cũng nhận thấy đó là một hạn chế, nhất là trong bảo quản, vận chuyển và gửi tặng khách hàng. Chính vì vậy, chúng tôi đã chủ động thiết kế thêm vỏ hộp riêng để tăng thêm sự sang trọng, đẳng cấp của sản phẩm. Hộp đựng lịch có form hình vuông, kiểu nắp đậy. Kết cấu bên trong được thiết kế có chỗ để vừa đế gỗ và 12 tấm lịch sẽ nằm vừa vặn ở trên.

                             
Thiết kế của hộp đựng lịch.

      Bước thứ 2: Chọn chất liệu cho lịch
     Sau khi hoàn thành xong thiết kế và được khách hàng đồng ý, chúng tôi chuyển ngay đến bước tìm chất liệu với hai tiêu chí là thẩm mỹ và độ bền. Giấy lịch được chọn là giấy mỹ thuật có định lượng 400 gsm và không cán màng để có thể ghi chú. Đế gỗ được chọn là gỗ cao su, màu sắc tươi sáng và cũng đảm bảo được độ bền. Về chất liệu hộp giấy, chúng tôi sử dụng giấy mỹ thuật có định lượng 300 gsm.

                           
Chất liệu lịch được chọn theo 2 yếu tố: tính thẩm mỹ và độ bền.

     Bước thứ 3: Tìm đơn vị gia công, in ấn
    Bước thứ 3 này gần như thực hiện song song với bước 1 và bước 2, nhưng đến khi hoàn thành xong 2 bước đầu, chúng tôi mới có thể chốt lại sẽ thực hiện với đối tác nào. Tuy nhiên mọi việc không hề thuận lợi vì đơn vị đồng ý gia công từ đầu là một công ty lớn, có khả năng thực hiện nhưng họ lại quá bận rộn với các dự án cuối năm. Cuối cùng, chúng tôi phải tìm đối tác khác và may mắn tìm được đơn vị vừa đảm bảo thời gian thực hiện, vừa đảm bảo yêu cầu chất lượng.

     Nhưng khi chuyển qua cho đơn vị gia công, chúng tôi vẫn chưa thể hết lo lắng cho đến khi nhận thành phẩm để giao khách hàng. Với chúng tôi, đây thực sự là một thử thách bởi vì sẽ không còn nhiều thời gian để sửa chữa nếu có lỗi xảy ra. Cuối cùng, nhờ sự cố gắng của cả tập thể, cộng thêm yếu tố may mắn, sản phẩm đã đến tay khách hàng kịp thời hạn và nhận được những lời khen. 

                          
   Hình ảnh bộ sản phẩm hoàn thiện cuối cùng.

     Có thể nói, lịch để bàn đế gỗ là một trong những sản phẩm đáng tự hào trong năm qua của SDmedia với sự tiên phong và đổi mới. Tin chắc rằng, thành công lần này sẽ là động lực cho chúng tôi tiếp tục vượt qua thử thách của các lần tiếp theo và khách hàng cũng sẽ tin tưởng SDmedia hơn nữa.   

(TH)

Friday, November 14, 2014

10 LỜI KHUYÊN KHI THIẾT KẾ WEBSITE CHO DOANH NGHIỆP MỚI

Sẽ có đôi lần một graphic designer được yêu cầu thiết kế một website cho doanh nghiệp mới. Điều này khó khăn hơn nhiều so với tạo trang web cho một doanh nghiệp có sẵn danh tiếng bởi trong hầu hết các trường hợp, trang web này sẽ cùng lúc đóng nhiều vai trò: một công cụ quảng bá duy nhất của doanh nghiệp trên thế giới ảo, kiêm kênh liên lạc với khách hàng kiêm kênh bán hàng qua mạng. 

Sau đây là 10 lời khuyên dành cho những graphic designer, giúp bạn xây dựng một website cho “kẻ mới nhập cuộc thương trường” sao cho đảm bảo lợi nhuận cho nhất cho đầu tư của khách hàng của bạn.

1. Phối hợp chặt chẽ với khách hàng

Khách hàng của bạn sẽ cung cấp cho bạn yêu cầu của họ, và bạn sẽ là người hữu hình hóa yêu cầu đó. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, khách hàng của bạn hầu như không biết họ muốn điều gì, ngoại trừ muốn một trang web. Công việc của bạn là phải làm việc với họ, tìm ra những yêu cầu cụ thể cũng như mong đợi của khách hàng cho website. Quá trình phối hợp này nên được tiếp tục trong suốt quá trình thực hiện dự án. Hãy luôn hỏi ý kiến của khách hàng trong mỗi bước tiến mới của dự án và hãy chắc chắn rằng mọi bước đi của bạn đạt đến kì vọng của họ. 

2. Hình thức tuân thủ chức năng

Trang web này để làm gì? Nếu nó được dung để bán hàng là chính, bạn nên chú ý đến những giải pháp phục vụ công việc này. Hoặc, nếu trang web chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin về thương hiệu và những sản phẩm-dịch vụ của khách hàng, bạn nên lên một hệ thống dòng chảy nội dung một cách hợp lý. Đây là một điều cực kỳ quan trọng bởi chọn hình thức trình bày thích hợp sẽ giúp bạn thể hiện hết những chức năng website. 
Từ góc nhìn của một doanh nghiệp mới thành lập, việc “hình thức tuân thủ chức năng” nghe có vẻ không ấn tượng lắm bởi họ rất cần nhanh chóng tạo được ấn tượng mạnh đối với người dùng Internet. Bạn phải giải thích cho họ hiểu rằng, điều này là hoàn toàn không thể nếu như trang web không phục vụ cho nhu cầu của người sử dụng Internet. 

3. Thể hiện được đặc tính thương hiệu 

Một trong những mục tiêu của trang web là tạo ra nhận thức tích cực về thương hiệu, và đây là điều mà các doanh nghiệp mới luôn cần để xây dựng thương hiệu của mình. Vì thế, bạn nên chắc chắn rằng logo của khách hàng của bạn được trình bày nổi bật và có thể dễ dàng “trong tầm mắt” của người truy cập website. 



Nhưng bất nhiêu là chưa đủ. Tất cả các yếu tố trên website, dù là nhỏ nhất, đều phải hòa hợp với nhau và thể hiện được đặc tính thương hiệu (brand identity). Bạn phải đảm bảo được rằng sau khi vào trang web, người truy cập sẽ nhận diện được trang web với thương hiệu, và ngược lại. 

Sau đây là một vài trang web dành cho doanh nghiệp mới được bình chọn là tốt nhất của năm 2013: 

https://www.snapchat.com/ 

https://www.uber.com/ 

https://www.hoteltonight.com/ 

4. Mục tiêu rõ ràng

Tập trung vào việc thể hiện thông điệp của website. Một vài graphic designer chỉ chú trọng với việc tạo ấn tượng bằng thiết kế đẹp, tuy nhiên điều này không quan trọng bằng thỏa mãn yêu cầu hàng đầu của khách hàng. Bạn có thể thể hiện rõ ràng thông điệp của trang web ngay tại trang chủ, điều cốt lõi là bạn hãy đừng làm phí phạm quá nhiều thời gian của người truy cập. 



Ví dụ, trang PadMatcher dù có thiết kế không quá nổi bật nhưng lại có một thông điệp rõ ràng: Real Pads. Real People. Padmatcher takes the hassle out of the rental process, helping you find perfect roommates and apartments. Người truy cập không cần phải làm gì cả, ngay khi truy cập vào trang, họ đã biết rằng đây là nơi giúp họ tìm bạn chung phòng hoặc nhà cho thuê.  

5. Vươn đến sự đáng tin cậy 

Khi mới thành lập, lẽ dĩ nhiên doanh nghiệp – khách hàng của bạn – sẽ phải đối đầu với thử thách là cạnh tranh với những đối thủ là các doanh nghiệp đi trước hoặc có sẵn danh tiếng trong ngành hàng với họ. Điều này không hề dễ dàng, nhưng nếu khách hàng của bạn có một trang web nhìn “đáng tin cậy” thì việc cạnh tranh sẽ ít nhiều bớt khó khăn. Để làm được điều này, bạn cần có những thông tin và hình ảnh liên quan đến sản phẩm-dịch vụ của khách hàng. Bạn nên nhớ, bạn phải làm cho người tiêu dùng của khách hàng bạn cảm thấy yên tâm khi mua sản phẩm. 

6. Đừng bỏ qua điện thoại di động

Vì là doanh nghiệp mới thành lập nên khách hàng của bạn sẽ không thể bỏ lỡ cơ hội tiếp cận người tiêu dùng tiềm năng. Và đây cũng là lý do vì sao website phiên bản giao diện điện thoại ra đời. Là người thiết kế trang web, bạn phải chắc chắn rằng nó có thể chạy mượt trên giao diện kích thước nhỏ như điện thoại di động. 



7. Chú ý đến những chi tiết nhỏ

Những chi tiết nhỏ trên website tưởng chừng như không quan trọng nhưng thực tế, chúc đóng một vai trò không nhỏ trong sự thành công của một trang web. Tất cả hình ảnh đều phải thu hút; tất cả những trang nhỏ trên website đều phải nhìn thống nhất và có liên hệ với nhau; chữ phải dễ đọc và nhìn đẹp mắt; tất cả nội dung phải chiếm được quan tâm của người đọc; và trình bày trang web (navigation) phải cực kỳ dễ sử dụng… 

8. Tận dụng SEO

Hãy chắc chắn rằng nội dung trang web của bạn dễ dàng đến được với những người dùng trình duyệt (Google, Yahoo, Bing…) khi họ tìm kiếm từ khóa. Nguyên tắc vàng để tận dụng SEO là: đừng thiết kế để tương thích với các search engine mà hãy thiết kế cho người sử dụng. Nghĩa là, nếu bạn thiết kế dễ sử dụng cho người dùng Internet (dễ đọc, không tốn quá nhiều thời gian để tìm cái gì đang ở đâu, thống nhất trong phong cách cách thiết kế và đặc biệt là phải tải dữ liệu nhanh), trang web của bạn sẽ có thứ hạng cao trong SERPs (search engine result pages – trang kết quả tìm kiếm). 

9. Làm tốt những yếu tố cơ bản và không dài dòng 

Hãy bắt đầu và làm tốt những yếu tố cơ bản của một trang web (màu sắc, đường nét, hình khối, kích thước, khoảng không…). 

Người sử dụng Internet thường không dành thời gian để ngưỡng mộ thiết kế của bạn, mà thay vào đó là tìm kiếm thông tin họ cần. Bởi vậy, hãy cho người dùng Internet thứ mà họ muốn! Đừng quá dài dòng, phô diễn nội dung hay kĩ thuật buộc người truy cập phải thao tác quá nhiều. 

10. Hãy xem thử thách là cơ hội 

Dù khó khăn, nhưng bạn hãy xem đó là cơ hội thể hiện và khám phá khả năng của bản thân. Hãy thiết một trang web thật nổi bật, thỏa mãn yêu cầu của khách hàng, bạn sẽ tự tin để bước tiếp đến những dự án thử thách khác nữa. 

Theo: http://justcreative.com/2014/07/07/tips-designing-websites-for-startups/

Friday, October 17, 2014

10 CÔNG CỤ CỦA INFOGRAPHIC

Làm thế nào để truyền tải và thể hiện một lượng lớn thông tin một cách rõ ràng và dễ hiểu nhất? Đây quả là một vấn đề đau đầu với những người làm việc liên quan đến truyền thông và quảng bá. Sự ra đời của Infographic như là một cứu cánh.
Infographic là hình ảnh hóa của dữ liệu, trình bày thông tin phức tạp một cách nhanh chóng và rõ ràng. Và cách tốt nhất để giải thích một infographic là dùng một infographic khác (Theo Customer Magnetism). 



Dưới đây là mười cách khác nhau mà infographic có thể được sử dụng. 

1. Một công cụ tuyển dụng 

Từ lâu, các nhà thiết kế trên thế giới đã sử dụng infographic làm resume (hồ sơ thông tin) để đơn giản hóa và làm nổi bật những kỹ năng đặc biệt của họ bằng một phong cách rất riêng. Sau đó, các nhà tuyển dụng nhận ra họ có thể sử dụng infographic nhưng theo một cách ngược lại là để tuyển dụng.

Infographic dưới đây được thiết kế để tuyển dụng cho vị trí quản lý dự án, tóm tắt các kỹ năng cần thiết của một ứng cử viên lý tưởng, ngoài ra còn giới thiệu về công ty. 


2. Trình bày số liệu điều tra 

Infographic rất hữu ích để trình bày kết quả thu thập được từ các cuộc điều tra. Thống kê và các con số có thể dễ dàng gây ấn tượng với người xem.


3. Đơn giản hóa một khái niệm phức tạp 

Mục đích cốt lõi của một infographic là để đơn giản hóa một ý tưởng phức tạp, đặc biệt là khi trình bày cái nhìn tổng quan về một chủ đề thay vì một phân tích sâu. Như ví dụ dưới đây giúp người xem hiểu được những khái niệm phức tạp.


4. Giải thích cách cái gì đó hoạt động 

Để đơn giản hóa những ý tưởng phức tạp, infographic thường được sử dụng để tiết lộ cơ chế đằng sau của đối tượng nào đó, rằng nó hoạt động thế nào. 

Nhà thiết kế có tay nghề cao có thể tạo ra infographic thể hiện tính năng cốt lõi của các sản phẩm phức tạp như máy ảnh, iPhone, và đồng hồ. Trong ví dụ dưới đây, nhà thiết kế đã giúp người xem dễ dàng mường tượng được sản phẩm làm việc thế nào. 


5. So sánh 

Khi thiết kế với mục đích so sánh, infographic giúp thể hiện các điểm tương đồng và khác biệt bằng cách tạo ra sự tương đồng bổ sung cho các thông tin được trình bày. So sánh có thể khó diễn tả bằng lời nói, nhưng bằng cách trình bày các thông tin tương tự trong một infographic gọn gàng có tổ chức, so sánh trở nên rõ ràng hơn. Cùng xem qua một infographics so sánh những thay đổi của một siêu anh hùng từ lúc mới ra mắt đến năm 2013.


6. Sự thật thú vị 

Có rất nhiều sự kiện thú vị nhưng nó sẽ không còn thú vị nữa khi đưa vào một danh sách đơn giản. Khi được trình bày trong một infographic, những sự kiện này có thể dễ dàng được ghi nhớ hơn. Xem qua ví dụ sau bạn sẽ hiểu.


7. Khi từ ngữ không còn hiệu quả

Sử dụng infographic là một cách giải thích trực quan những điều không thể giải thích bằng lời nói. Một số khái niệm không có từ ngữ liên quan đến nó, hoặc như trong trường hợp dưới đây, một số từ không thể dịch ra tiếng nước khác, ngoài tiếng bản địa. 


8. Nâng cao nhận thức 

Có rất nhiều thông tin quan trọng thường khô khan hoặc gây khó chịu. Infographic có thể làm cho những thông tin này thú vị hơn để đọc, giúp người đọc dễ tiếp nhận và nhiều khả năng được chia sẻ. 

Ví dụ dưới đây là infographic về an toàn hồ bơi và chết đuối, với nhiều thông tin rất quan trọng về một mối nguy hiểm rất thực tế. Các kiểu chữ, hình minh họa, màu sắc đã giúp tăng sự dễ hiểu của nội dung. 



9. Thông tin cho người tiêu dùng 

Người tiêu dùng có xu hướng quyết định dựa trên các thông tin để họ có thể yên tâm rằng mình đang tiêu tiền một cách khôn ngoan. Doanh nghiệp có thể tăng niềm tin ở khách hàng bằng cách trình bày các thông tin có liên quan đến quyết định mua hàng theo những cách dễ dàng truy cập. 


10. Tận dụng cho một kỳ nghỉ lễ 

Vào các kỳ nghỉ lễ, các thương hiệu sẽ tranh nhau để ra mắt nội dung ăn mừng liên quan đến kỳ lễ. Vì vậy, tại sao không thử dùng một infographic? Hãy xem qua infographic về bữa ăn tối Giáng sinh truyền thống sau đây.


Với 10 cách sử dụng ở trên, đã đủ để bạn tin rằng infographic thật sự rất hiệu quả chưa?
(Theo: http://thenextweb.com/dd/2013/10/16/10-ways-use-infographics/1/) 



Friday, September 26, 2014

DẾ MÈN VÀ CUỘC PHIÊU LƯU CỦA PHÚ

“Đó là câu chuyện của tuổi thơ tôi!” - Phạm Nguyễn Thiên Phú chia sẻ về bộ font chữ lấy cảm hứng từ tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài.



Theo học mỹ thuật ứng dụng tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM ở tuổi 25 sau khi đã có công việc ổn định với tương lai trở thành quản lý nhà hàng, Thiên Phú lại khởi đầu với đủ thứ việc để sống và để học. Và bộ font chữ - đồ án tốt nghiệp của Phú vào năm 2013 - chính là thành quả của năm năm miệt mài vừa kiếm sống vừa theo đuổi đam mê vẽ mỹ thuật.



Bộ font chữ Dế Mèn phiêu lưu ký gồm 26 chữ cái và 10 chữ số, kể lại cuộc gặp gỡ của Dế Mèn và những “người” chú đã gặp trên con đường khám phá thế giới. Họa tiết trên mỗi chữ cái là một tuyến nhân vật trong truyện và đời sống trong tự nhiên của chúng. Chữ A có hình một chú kiến và hệ thống hang kiến trong lòng đất cùng cây cỏ xung quanh làm người xem dễ liên tưởng đến gã Kiến Lửa hung hăng trong cuộc đại chiến của Dế Mèn. Hay chữ C là hình ảnh thu nhỏ của vương quốc đầm lầy - nơi sinh sống của chú cá dữ tợn mà Dế Mèn và người bạn đồng hành Dế Trũi có lần chu du ngang qua. Tương tự, Châu Chấu Voi mà Dế Mèn đã đánh nhau, Ếch Cốm và thầy đồ Cóc ở vương quốc đầm lầy, làng Cỏ May - vương quốc của loài côn trùng có cánh... đã được Phú tưởng tượng và vẽ theo cảm nhận của mình. 



Qua bàn tay của Phú, thế giới côn trùng muôn màu muôn vẻ dưới ngòi bút của nhà văn Tô Hoài được thể hiện thành hình hài với những đường nét bay bổng, sinh động. Nhà văn Tô Hoài đã ra đi nhưng những tác phẩm của ông luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ - trong trường hợp này là một anh chàng mê thiết kế đồ họa và dám ước mơ mang tên Thiên Phú.




Friday, September 19, 2014

DẤU HIỆN CHO THẤY LOGO CẦN ĐƯỢC THIẾT KẾ LẠI

Tạo được một thương hiệu luôn là điều cốt yếu trong kinh doanh. Một doanh nghiệp lâu năm, họ có thể thiết kế được những logo tốt khi bắt đầu kinh doanh, nhưng liệu đến hiện tại logo cũ có còn phù hợp? Liệu logo đó có còn phù hợp với những con mắt hiện đại? Nếu câu trả lời là không, thì đã đến lúc doanh nghiệp cần thay đổi hoặc thiết kế logo mới. Sau đây là một số dấu hiệu của 1 logo cần thay đổi.

1. Logo đã được dùng quá lâu.

Một logo được dùng từ những năm 70, 80 hẳn sẽ không còn phù hợp để thu hút, tạo dấu ấn cho khách hàng thế kỷ 21. Trước khi thay đổi logo, có 2 điều bạn cần quan tâm.

Việc thay đổi logo có tạo ra những phản ứng tích cực cho doanh nghiệp không?

Thay đổi logo có làm giảm sự nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp không?

Có một số thiết kế logo cũ vẫn rất được ưa chuộng, và việc thay đổi nó sẽ gây phản ứng tiêu cực (trường hợp của Cocacola), trong khi số khác cần thay đổi liên tục. Nếu công ty của bạn đang trên một cuộc đua về công nghệ, chắc chắn sự đổi mới logo sẽ tạo ra những phản ứng tốt, nhưng nếu sản phẩm của bạn được bán hơn 100 năm với 1 logo duy nhất thì sự thay đổi sẽ dẫn đến thảm họa. Apple là một trong những công ty có sự thay đổi logo phù hợp, sự thay đổi đó thể hiện sự thay đổi trong toàn công ty và sản phẩm của họ.



2. Logo không còn phù hợp

Một công ty có thể trải qua nhiều sự thay đổi lớn, và khi đó, logo cũ không còn phù hợp để đại diện cho thương hiệu và sản phẩm nữa. Trong trường hợp này, logo mới sẽ phải thể hiện chính xác hơn công ty và sự thay đổi đó. Cũng có thể doanh nghiệp của bạn thay đổi thị trường mục tiêu và logo mới tốt hơn cho thị trường mới. Việc thay đổi không phải luôn luôn phù hợp, vì vậy cần đánh giá kĩ lưỡng những mặt tích cực và tiêu cực trước khi quyết định.

Sự hợp nhất của Citicorp và Travelers thành City là một trường hợp thành công cho việc thay đổi logo sau một thay đổi lớn trong doanh nghiệp.


3. Logo gây khó hiểu

Thiết kế logo ban đầu của một thương hiệu có thể chưa tốt. Quá đơn giản hoặc quá phức tạp đều gây khó hiểu. Điều tệ hại nhất đối với một logo là khi khách hàng nhìn vào, họ cảm thấy khó chịu, khó hiểu thông điệp mà logo đó muốn truyền đạt.

Dù thế nào thì mục đích sau cùng của một logo là tạo ra sự nhận diện cho thương hiệu. Bất kì doanh nghiệp nào cũng muốn khi khách hàng nhìn thấy logo, hoặc thậm chí là một phần của logo cũng có thể nghĩ ngay đến tên của doanh nghiệp mình. Hãy nhớ đến quả táo của Apple - ví dụ minh họa rõ nhất.


Thursday, August 28, 2014

NHỮNG QUẢNG CÁO ẤN TƯỢNG CỦA HEINEKEN

Heineken luôn chứng minh mình có bộ phận marketing vô cùng tuyệt vời vì họ đã tạo ra rất nhiều quảng cáo ấn tượng và hấp dẫn. Không chỉ riêng những mẩu quảng cáo trên TV mà những quảng cáo trên báo in của đại gia bia này cũng khiến người xem phải “ngước nhìn”. Ngoài việc được đầu tư cao để có kỹ thuật dựng, quay tốt thì mỗi quảng cáo của họ đều có ý tưởng riêng. Hãy cùng phân tích xem những yếu tố nào đã làm nên sự đặc trưng trong các quảng cáo của Heineken nhé.   

Quảng cáo trên báo in của Heineken

- Tiếc nuối đến giọt cuối cùng: một hình ảnh được làm cho cường điệu lên nhưng nó thể hiện được sự hấp dẫn của loại bia hảo hạng này.



- Hương vị đặc trưng: hình ảnh Heineken được thiết kế giống chanh, một loại quả có mùi vị đặc trưng không thể nhầm lẫn. Và đặc biệt nó rất được ưa dùng trong các món thức uống.



- Gắn liền trong mọi sự kiện: dù là trong những sự kiện đặc biệt như ngày Valentine thì cũng không thể xa rời chai Heineken. Người đàn ông không cần phải chọn lựa giữa người yêu và bia nữa vì chai bia giờ trở thành món quà lấp lánh họ dành cho bạn gái. 



Quảng cáo trên tivi của Heineken

- Cô nàng tưởng bở: mẩu quảng cáo thành công không chỉ vì có sự góp mặt của ngôi sao nổi tiếng Jennifer Aniston mà còn do ý tưởng thú vị: sức hấp dẫn của bia còn hơn cả những cô nàng xinh đẹp.



- Niềm vui cho phái mạnh: trong khi quần áo đẹp là niềm yêu thích của chị em phụ nữ thì bia Heineken mới chính là nhân tố đem đến niềm vui, sự vui sướng cho cánh mày râu.


- Switch (Chuyển đổi): Mọi thứ đều sẽ có sự chuyển đổi tuyệt vời, đem đến cho bạn bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đó chính là sức hấp dẫn đặc biệt mà Heineken đem lại.


Mỗi quảng cáo là một ý tưởng riêng được thực hiện vô cùng tinh tế, khiến cho các quảng cáo của Heineken không bao giờ nhàm chán và luôn tạo cảm giác háo hức cho người xem. Đó là một sự độc đáo và đẳng cấp mà không phải thương hiệu nào cũng làm được.

Friday, August 15, 2014

LỒNG ĐÈN GIẤY - SỨC MÊ HOẶC KỲ DIỆU

Cứ mỗi độ rằm tháng 8 (15 tháng 8 ÂL) là một ngày hội đối với người Việt. Đó là ngày trăng tròn vành vạch, ngày cả nhà già trẻ lớn bé cùng quây quần bên mâm cỗ, ăn miếng bánh trung thu ngọt ngào. Riêng trẻ em còn có thêm niềm vui rước đèn chơi trăng.


Tuổi thơ chắc ai cũng trải qua ít nhất một lần được cầm lồng đèn đi chơi. Những chiếc lồng đèn nhiều màu sắc có thể do nhà tự làm, có thể đi mua nhưng đều là những bảo vật vô giá, là niềm tự hào của những đứa trẻ trong đêm trăng rằm. 

Lồng đèn qua thời gian cũng phát triển, đa dạng về hình thức, chất liệu nhưng những chiếc lồng đèn giấy vẫn có sức hút riêng mà không loại đèn nào có thể thay thế được. Ở những chiếc lồng đèn giấy có sự dịu dàng, mê hoặc đến lạ kỳ.


Một mùa trung thu nữa lại sắp đến, hãy cùng chúng tôi xem lại những kiểu lồng đèn giấy độc đáo được thực hiện bởi nghệ nhân của Việt Nam và thế giới, để xem họ đã thổi hồn vào những chiếc đèn như thế nào.

Đèn hình con vật

Đèn cá chép

Đèn thiên nga.

Đèn hình thực vật

Đèn hình hoa sen

Đèn hình cây đào tiên

Đèn hình cảnh vật, vẽ họa tiết

Đèn hình ngôi nhà

Đèn vẽ hoạt tiết những chiếc lá

Đèn họa tiết con vật

Đèn họa tiết con rồng

Thật tự hào khi biết được tết Trung thu có nguồn gốc văn minh lúa nước, khởi nguồn từ đồng bằng sông Hồng. Sau này người Hoa tiếp nhận từ văn hóa Việt và tiếp đó phổ biến thành ngày lễ truyền thống của các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản. Mong rằng dù cho xã hội có phát triển thế nào thì người Việt vẫn giữ gìn được ngày lễ cổ truyền ý nghĩa của dân tộc. Và những chiếc lồng đèn giấy sẽ vẫn luôn hiện diện trong mỗi mùa trung thu.



Friday, August 8, 2014

10 LỜI KHUYÊN CỦA DAVID OGILVY ĐẾN CÁC COPYWRITER

David Ogilvy là một huyền thoại trong ngành quảng cáo. Ông được mệnh danh là “Người đàn ông cuồng sáng tạo” (Original Mad Man) và “Cha đẻ của ngành quảng cáo” (Father of Advertising). Ngoại trừ việc thành công sáng tạo ra công ty quảng cáo triệu đô Ogilvy & Mather, ông còn được biết đến là người đứng đằng sau các chiến dịch quảng cáo của những nhãn lớn như Dove, Shelll và Rolls-Royce. 



Sau đây là 10 lời khuyên của huyền thoại David Ogilvy dành cho các copywriter: 

1. Sử dụng tiêu đề (headline) để tạo chú ý, đặc biệt là đối với những khách hàng có nhu cầu sử dụng mặt hàng của bạn. Nếu bạn nhắm tới các bà mẹ, hãy trực tiếp đề cập đến họ. Ngay cả khi bạn nhắm đến cả bố và mẹ thì đừng chỉ nhắc đến mẹ trong tiêu đề. Nếu không, bạn sẽ mất một nửa lượng người đọc. 


Quảng cáo của Vinamilk là lời nhắn nhủ đến các bà mẹ

2. Copy nên đề cập đến lợi ích mà khách hàng của bạn sẽ đạt được. Bất cứ ai, tất nhiên, cũng sẽ hỏi, tôi sẽ được gì khi sử dụng sản phẩm đó? 



3. Luôn luôn kèm theo những tin tức mới nhất về sản phẩm của bạn trong copy. Người tiêu dùng luôn tìm kiếm những điều mới. 




4. Ưu tiên sử dụng những từ như “Làm thế nào..., bất ngờ, giới thiệu, mới nhất” hoặc những từ tương tự thế. 

5. Chỉ khoảng 20% người tiêu dùng đọc hết tất cả những gì bạn viết. Vậy nên, hãy chắc rằng bạn không quên đưa tên thương hiệu của công ty mình vào tiêu đề.


6. Sẽ tốt hơn nếu tiêu đề của bạn có thể gây thích thú, tò mò cho người đọc. 

7. Bạn nghĩ một tiêu đề “đánh đố” sẽ gây chú ý. Không! Nó sẽ không hiệu quả đâu. Vì không ai có thời gian để cố tìm hiểu ý nghĩa ẩn ý sâu xa mà bạn muốn gởi gắm. 

8. Tránh những tiêu đề “mù”. Tiêu đề “mù” là những câu mà người đọc buộc phải đọc toàn bộ nội dung mới hiểu được ý nghĩa của nó. 

9. Một tiêu đề có thể dài, nhưng không nên quá 12 chữ



10. Không dùng câu phủ định để làm tiêu đề. Nếu đọc lướt qua, người tiêu dùng sẽ có khả năng bỏ lỡ những từ phủ định, và hậu quả là họ hiểu sai thông điệp của bạn.