Tuesday, December 29, 2015

NHỮNG THÓI QUEN DESIGNER CẦN BỎ TRONG NĂM 2016

Thật khó tin nhưng những thời khắc cuối cùng của năm 2015 đã sắp hết, và năm 2016 đang đến rất gần. Đây có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để mỗi người trong chúng ta cùng ngồi lại và nhìn lại hành trình của chính mình. Dù đang ở đâu đi nữa, vẫn có những điều chúng ta có thể khắc phục và hoàn thiện. Nếu muốn 2016 là một năm thành công trong sự nghiệp, bạn hãy sửa chữa những thói quen xấu sau đây nhé. 




1. Trung thành với một nguồn tham khảo nhất định 
Mỗi designer đều có những danh sách “tủ” các nguồn tài nguyên mỗi khi cần lâm trận cho một dự án mới. Không có gì sai khi trung thành với một số font nhất định hoặc vài website yêu thích để làm khuôn mẫu cho thiết kế, nhưng hãy cẩn thận vì những thói quen này có thể giam hãm bạn. Có đôi khi, hãy rũ bỏ tất cả và thử thiết kế từ một trang giấy trắng. Helvetica tất nhiên là một lựa chọn đẹp mắt và dễ tương thích, nhưng cũng có hàng ngàn font mới và độc đáo ngoài kia đang chờ đợi bạn khám phá. Tương tự, rất nhiều designer sáng tạo nên các thiết kế, hình ảnh và theme xuất sắc mỗi ngày – tại sao bạn không thử tìm hiểu và tận dụng chúng?

2. Lệ thuộc vào thói quen 
Giải pháp hiệu quả trước đây có lẽ không còn phù hợp nữa. Nếu có cơ hội, hãy nhìn lại những giải pháp lâu nay của bạn và khám phá xem liệu có phương pháp nào tốt hơn nữa không? Để thực sự sáng tạo, chúng ta cần tạo nên những điều thú vị và mới lạ. Giải quyết vấn đề/yêu cầu từ dự án là nhiệm vụ của chúng ta nhưng giải quyết chúng với niềm đam mê để tạo ra những sản phẩm độc đáo không chỉ vừa ý client và còn khiến cho người xem có thể cảm nhận, cùng khóc cùng cười và sẵn sàng chi trả để mua mới là tối ưu.

3. Không sao lưu dữ liệu 
Hậu quả của thói quen này ai cũng hiểu nhưng đôi khi chúng ta vẫn chưa sửa được, cần tập thói quen nhấn Command + S sau mỗi lần có chỉnh sửa quan trọng. Tốt nhất là nhấn thường xuyên và liên tục. Thừa còn hơn thiếu. Ngoài ra, cần sao lưu tất cả dữ liệu trên các dịch vụ điện toán đám mây như Dropbox hoặc Google Drive đề phòng trường hợp xấu. 

4. Không cập nhật website cá nhân 
Lần cuối cùng bạn update profile/website cá nhân của bạn là khi nào? Làm việc trong ngành sáng tạo, không ai thích những điều cũ kỹ và không chịu cải tiến hết. Khách hàng hoặc nhà tuyển dụng làm sao biết được trong khoảng thời gian từ lần update xa xưa của bạn cho đến hiện tại, bạn đã có tiến triển gì không? Họ làm sao biết những điều tuyệt vời bạn đã làm trong thời gian qua. Đầu năm chính là một dịp tốt để bạn kiểm tra lại website cá nhân. Ngoài ra, cũng đừng nên đứng “ngoài lề” xã hội, nếu có tài khoản mạng xã hội như Twitter, Facebook, Behance,… hãy thường xuyên cập nhật các sản phẩm thiết kế cũng như thông tin liên lạc mới nhất của bạn trên các trang này. Chỉ để chứng minh rằng, tôi vẫn còn sống và sáng tạo không ngừng.

5. Không chịu chi tiền mua các ứng dụng mới 
Thời gian là vàng bạc, các ứng dụng mới sẽ được cải tiến thêm nhiều lợi ích mới, giúp chúng ta tiết kiệm được biết bao nhiêu là thời gian và tạo ra thêm biết bao nhiêu thu nhập. Vậy thì tại sao lại ngại ngùng chi trả một khoản tiền hữu ích chứ? Đây được gọi là đầu tư.

6. Không tiếp thị bản thân 
Trong năm 2016 này, hãy mạnh mẽ giới thiệu bản thân, đấu tranh cho những ý tưởng mới, nói cho mọi người biết bạn là ai và bạn có thể làm gì. Bạn là người đặc biệt phù hợp với khách hàng/nhà tuyển dụng nhất trong tất cả những đối thủ cạnh tranh khác trong ngành. 

7. Không cập nhật xu hướng mới 
Ngành sáng tạo luôn thay đổi từng ngày, từng giờ, từng phút giây. Mỗi ngày có hàng triệu thiết kế mới được tạo nên. Chỉ cần dừng lại và cảm thấy thoải mái rong vùng an toàn của mình một chút thôi là bạn đã tuột xa với xu hướng biết bao rồi. Tham gia các blog hay về design, kết nối LinkedIn, tìm hiểu những xu hướng mới nhất trên các tạp chí chuyên ngành, hợp tác cùng các designer khác và nắm bắt lấy những cơ hội. Hãy nhìn cái cây trên bàn làm việc của bạn: nó sẽ chết nếu không hấp thụ ánh sáng, dưỡng khí và nước thường xuyên – cũng như các thiết kế của bạn sẽ không thể phát triển nếu luôn nằm trong bóng tối. 

8. Làm việc không hết sức mình 
Hãy sống chứ đừng chỉ tồn tại. Đừng để deadline làm chúng ta bỏ qua những lỗi nhỏ không hoàn hảo. Thường thiết kế có 95% đủ để check-list các yêu cầu, và 5% “hoàn hảo” còn lại sẽ đến vào những giây phút cuối cùng. Nếu bạn bỏ nhiều thời gian và tâm huyết cho từng thiết kế trong hiện tại, quả ngọt cho những cố gắng này chắc chắn sẽ đến với bạn trong tương lai.

Hãy cẩn trọng với những thói quen xấu và những công thức sáng tạo gò bó, ngột ngạt lỗi thời, hãy hoàn thành công việc của mình một cách tốt đẹp nhất. Chúc các bạn có 1 năm làm việc mới đầy sáng tạo, thế giới này cũ rích quá rồi, hãy cùng tạo nên những điều vi diệu. Chúc mừng năm mới 2016!


Theo Creativemarket 

Wednesday, December 23, 2015

8 XU HƯỚNG THIẾT KẾ LOGO SẼ THỐNG LĨNH NĂM 2016

Làm thế nào để logo của bạn có tính ứng dụng cao, dễ nhớ, linh hoạt, truyền tải được thông điệp của doanh nghiệp và nổi bật được trong thị trường cạnh tranh khốc liệt? 


Là yếu tố không thể thiếu trong mọi chiến lược xây dựng thương hiệu, logo được xem là biểu tượng đại diện cho doanh nghiệp. Và thiết kế logo là một trong những lĩnh vực thiết kế nhìn có vẻ đơn giản nhưng rất khó để thành công. Sự sáng tạo là không biên giới, bạn không nhất thiết phải làm theo bất kỳ nguyên tắc thiết kế nào, nhưng nắm bắt được xu hướng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc tìm kiếm một ý tưởng hiệu quả. Trong bài blog tuần này, hãy cùng SDmedia điểm qua 8 xu hướng thiết kế logo được dự đoán sẽ mang lại sự bứt phá mới trong năm 2016 nhé! 

1. Typography và Script: 
Không thể phủ nhận rằng xu hướng Typography và Script đã có những bước đi vô cùng mạnh mẽ trong năm 2015, tần suất xuất hiện của các thiết kế logo theo xu hướng này ngày càng dày đặc và liên tục đổi mới ấn tượng. Dự đoán trong năm 2016, xu hướng này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà sẽ ngày càng phát triển. Logo theo phong cách Typography thường lấy ý tưởng từ chính tên công ty, chính vì vậy xu hướng này sẽ mở ra những không gian sáng tạo mới cho các designer khi họ có thể chọn lọc những font chữ mới lạ và phong cách riêng biệt ấn tượng. 


2. Màu sắc: 
Các logo màu đơn sắc sẽ nhường chỗ cho những giải pháp bắt mắt hơn. Dự đoán trong năm 2016, chúng ta sẽ chứng kiến sự phổ biến của xu hướng logo màu kép này (chỉ sử dụng tối đa 2 màu) (hình ảnh) 
Gần đây, các thương hiệu thường muốn thay đổi theo chiều hướng tươi mới và thoải mái hơn (thay cho các logo chỉ dùng màu ghi hay trắng đen) nhưng không muốn phải dùng một logo khác. Bạn có thể ứng dụng xu hướng này như là một giải pháp hiệu quả để giải quyết bài toán trên. 


3. Low Polygon (hay Low Poly): 
Trước đây, Polygon design (sử dụng các hình đa giác) thường được sử dụng trong thiết kế background. Đến năm 2016, xu hướng này được mở rộng hơn sang lĩnh vực thiết kế logo hay các biểu tượng hình ảnh đồ họa. Low Polygon tạo hiệu ứng hình ảnh 3 chiều chân thật, kết hợp với các tone màu mới lạ khiến những logo dường như sống động hơn giống như sắp chạy ra khỏi hình nền, đảm bảo rằng người xem sẽ chú ý và ghi nhớ ngay lập tức. 


4. Không gian âm (Negative Space): 
Không gian âm chính là khoảng không gian bao quanh và đối tượng thiết kế nằm ở giữa, các khoảng trống được sử dụng có chủ định và mang ý nghĩa. Sử dụng negative space một cách khéo léo sẽ giúp thiết kế trông đơn giản và tinh tế hơn. Negative Space là xu hướng tuy không mới nhưng sẽ không hạ nhiệt trong năm 2016 khi “Simple is the best” vẫn còn là chân lý. 


5. Kỹ thuật chồng lấn (Overlapping): 
Đây cũng là một xu hướng thuộc chủ nghĩa tối giản được kỳ vọng sẽ tạo nên nhiều đột phá trong năm 2016. Sử dụng kỹ thuật sắp xếp 2 mảng hình chồng lấn lên nhau, có thể áp dụng thêm hiệu ứng shading tạo bóng đổ, giúp đem đến một thiết kế logo có chiều sâu hơn.


6. Thư pháp (Calligraphy) và nghệ thuật chữ vẽ tay (Hand Lettering): 
Typography là nghệ thuật sắp đặt và ghép chữ trong in ấn, còn Hand Lettering là nghệ thuật trình bày bằng tay. Ngày càng có nhiều người tìm đến hand-lettering bởi các thiết kế này không những đẹp mà còn mang dấu ấn cá nhân rất cao. Xu hướng logo phong cách “handmade” này được dự đoán sẽ nở rộ trong năm 2016. Còn với hình thức Calligraphy, trước đó đã xuất hiện rất phổ biến trong ngành công nghiệp thời trang: nơi thường xuyên sử dụng thư pháp khi thiết kế thư mời tham gia các chương trình thời trang, nhằm nhấn mạnh tính chuyên nghiệp và sáng tạo của thương hiệu đó. Calligraphy & Hand Lettering sẽ được ứng dụng vô cùng hiệu quả với các thương hiệu mang phong cách tinh tế, thanh lịch hoặc gần gũi, mộc mạc. 


7. Dải màu chuyển (Gradients): 
Công cụ Gradient Mesh khá quen thuộc với các designer để tạo ra những tác phẩm thiết kế có dải màu đa sắc, đang trở thành một xu hướng mới trong năm 2016. Mặc dù xu hướng này còn gây nhiều tranh cãi, nhưng nó cũng đang dần trở nên phổ biến. Những mẫu logo này trong quá khứ bị chỉ trích vì chi phí in ấn quá đắt đỏ và khó thực hiện. Nhưng ngày nay, các nhà thiết kế đã chấp nhận sự thật rằng chiều sâu của chúng tạo cho thiết kế của họ vẻ ngoài trau chuốt và những nét mới lạ. 
Rất nhiều designer ưa chuộng xu hướng này, bởi tính đơn giản nhưng không kém phần công phu và hiện đại của các logo khi được khoác lên mình những dải màu đa sắc và các hình ảnh mượt mà. 


8. Phong cách cổ điển (Vintage): 
Cũng giống như phong cách Typography và Hand lettering, xu hướng thiết kế logo vintage thường phổ biến với các ngành nghề như khách sạn hoặc âm nhạc. Trong thế kỷ 21 hiện đại, tình yêu của chúng ta với phong cách vintage chỉ có tăng chứ không hề giảm – logo theo phong cách cổ điển thường rất bay bổng, đơn giản và một chiều, truyền tải những giá trị như truyền thống, chất lượng cũng như sự tin cậy. 2016 sẽ là một năm rất “ngọt ngào” cho xu hướng này. 


Cũng giống như mọi phần tử thiết kế khác, các xu hướng logo thường thay đổi không ngừng. Những xu hướng trên hiện đã có mặt và sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Nhưng rất có thể những nhà thiết kế logo trong tương lai lại sẽ thách thức mọi phương pháp của ngày hôm nay và sáng tạo ra những xu hướng mới và táo bạo hơn. 

Theo Logogarden

Wednesday, December 16, 2015

4 XU HƯỚNG THIẾT KẾ BAO BÌ NĂM 2016

Bất kỳ chuyên gia xây dựng thương hiệu nào cũng đều hiểu sự quan trọng của thiết kế bao bì trong trưng bày sản phẩm và truyền tải thông điệp của sản phẩm một cách chuyên nghiệp, làm sao để nổi bật hơn hàng ngàn đối thủ khác đang xuất hiện xung quanh, làm sao để thu hút khách hàng lựa chọn mua sản phẩm. Với suy nghĩ đó, các chuyên gia về marketing và thương hiệu luôn không ngừng nghiên cứu và sáng tạo để đóng gói sản phẩm của mình ngày càng hiện đại, tiện dụng và độc đáo hơn.



Tuy nhiên, khi mà thị hiếu của người tiêu dùng cũng không ngừng thay đổi dẫn đến các tiêu chuẩn thiết kế bao bì cũng thay đổi liên tục, việc nắm bắt xu hướng mới nhất dường như là một thử thách khó khăn với các doanh nghiệp (và cả với các designer). Hôm nay, SDmedia sẽ giới thiệu đến bạn 4 xu hướng thiết kế bao bì nổi bật nhất 2016 không thể bỏ qua. Hãy cùng tham khảo thử và tìm ra ý tưởng cho thiết kế bao bì đẹp nhất năm sau nhé! 

1. Xu hướng lập thể
Trước khi thị trường bia thủ công phổ biến mạnh mẽ như hiện tại, việc đóng gói cho các sản phẩm nước uống có bọt luôn là vấn đề làm cho các nhà sản xuất phải đau đầu. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các nhà sản xuất ngày càng chú tâm vào mẫu mã bao bì nhiều hơn, hoàn toàn nổi bật và tách biệt hơn so với đối thủ đến từng chi tiết nhỏ. Theo xu hướng này, chúng tôi dự đoán rằng 2016 sẽ là năm chứng kiến sự ra đời của nhiều thiết kế bao bì bia và rượu đột phá. 

Nếu đã từng xem qua mẫu thiết kế đồ họa trừu tượng của Evil Twin Brewing, chắc hẳn bạn cũng sẽ có ấn tượng mạnh mẽ khó quên như chúng tôi hiện tại. Ngoài bao bì, thương hiệu bia có nguồn gốc từ Brooklyn này cũng mang tên gọi không kém phần độc đáo: “Citra Sunshine Slacker” và “Bikini Beer”. Tên gọi có lẽ cũng chính là một trong những nguồn cảm hứng để các designer sáng tạo nên các nhãn theo phong cách Avant-garde này.

Martin Justesen, nhà đồng sáng lập đồng thời cũng là nhà thiết kế bao bì của thương hiệu Evil Twin, đã giải thích chiến lược và mục đích của những thiết kế tuyệt vời trên như sau: 
“Tôi thích những thiết kế nhãn có thể phát huy được 2 tiêu chí, đầu tiên là phải nổi bật, thu hút ngay sự chú ý của khách hàng, và thứ hai là phải ẩn chứa các chi tiết nhỏ đắt giá mà người dùng chỉ có thể khám phá ra khi ngồi xuống và xem xét tỉ mỉ.” 
Xu hướng lập thể dưới dạng hình tam giác khi được ứng dụng trên thiết kế bao bì còn có tác dụng tăng mạnh tính nhận diện thương hiệu với khách hàng trước vô vàn sản phẩm cùng loại. 

2. Xu hướng thiết kế mang tính thẩm mỹ cao 
Các sản phẩm handmade ngày nay rất được ưa chuộng dẫn đến sự ra đời và phát triển của những trang web như Etsy. Ngoài chất lượng, người tiêu dùng cũng đặc biệt dành nhiều sự quan tâm đến tính trung thực và rõ ràng trong thông tin nguồn gốc, nguyên liệu, quá trình sản xuất, ... của những sản phẩm thủ công này,


Theo Andrew Gibbs, nhà sáng lập công ty The Dieline:
“Thị hiếu của người tiêu dùng đang có sự chuyển hướng sang những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đúng chất lượng và trung thực. Đó là những sản phẩm có thể không phức tạp, được chế tác thủ công và kể cả có phong cách mang tính cách cổ điển một chút cũng vẫn chiếm ưu thế.” 
Gibbs dự đoán rằng những thương hiệu được xây dựng theo tính cách chung chung đã dần biến mất trong năm 2015 và xu hướng thiết kế tập trung mang tính thẩm mỹ độc đáo cao sẽ phát triển mạnh mẽ từ năm 2016. 


Cacao Barry, một thương hiệu B2B (business to business) thành công trong phân phối chocolate chất lượng cao đến hàng loạt nhà hàng và tiệm bánh, chính là ví dụ hoàn hảo cho xu hướng thiết kế bao bì này. Barry đã hợp tác cùng Design Bridge sáng tạo nên mẫu thiết kế bao bì hàng đầu trong việc duy trì tính thuần khiết, vừa đồng thời truyền tải được câu chuyện thương hiệu đằng sau từng sản phẩm. 
Để tạo nên vẻ ngoài cực chất cho từng mùi vị, agency này đã cho ra đời loạt mẫu thiết kế hoàn hảo như một bảng tuần hoàn về mùi vị đi kèm hình ảnh mô tả chân thật nguồn gốc thực vật của mùi và đặc tính vùng miền. 






3. Xu hướng nghệ thuật trừu tượng 
Thông thường, các nhà thiết kế bao bì sẽ làm tất cả để sản phẩm của họ trở nên bắt mắt nhất như in chữ to hơn, màu sắc neon sáng chói, thậm chí chuyển sang ngược lại là làm tối giản hết mức. Phong cách này vẫn đang được ứng dụng và trong năm 2016, vẫn sẽ có nhiều mẫu thiết kế theo xu hướng này ra đời. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng các thương hiệu sẽ thay đổi – một phong cách nhẹ nhàng, tinh tế và trừu tượng hơn mới chính là xu hướng của thời đại mới. 



Hãy cùng chúng tôi xem thử 1 ví dụ đến từ thương hiệu Rojalet của Tây Ban Nha, một thiết kế bao bì được đánh giá rất cao với xu hướng trừu tượng. Công ty thiết kế Atipus (trụ sở tại Barcelona) - là agency phụ trách thiết kế cho dòng sản phẩm này đã chia sẻ về cảm hứng thiết kế của họ như sau: 


“Chúng tôi được truyền cảm hứng từ chính tên gọi của sản phẩm (Rojalet có phát âm tương tự như màu đỏ trong tiếng Catala - một cộng đồng ở đông bắc Tây Ban Nha) và màu đỏ cũng chính là đặc trưng của vùng đất mà họ trồng nho để sản xuất nên loại rượu này”. 
Với thiết kế gồm những đường kẻ trừu tượng được bao phủ lên vỏ chai, Rojalet như muốn chứng minh rằng bạn không phải đang nhìn thấy mẫu bao bì đóng gói thông thường, mà là một bức tranh sơn dầu. Mỗi chai rượu là một tác phẩm nghệ thuật có màu sắc và phong cách khác nhau, nhưng khi được xếp cạnh nhau, chúng đều có tính kết nối. Đây chính là yếu tố quan trọng mang tính nhất quán trên từng mẫu mã trong loạt thiết kế. 

4. Xu hướng thiết kế lấy cảm hứng từ lịch sử 
Từ xu hướng thời trang hippie cho đến sự trở lại của những thương hiệu mang phong cách thập niên 90 dường như mọi người đang muốn “quay trở về thời huy hoàng của ngày xưa”. Xu hướng này cũng đã dần xuất hiện trong nhiều mẫu thiết kế bao bì trên thị trường, và nếu nó được phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2016 cũng là chuyện không phải ngạc nhiên. 



Cũng tương tự như ở xu hướng thứ 2, khi mà các thương hiệu muốn lột tả mạnh mẽ hơn chất handmade tự nhiên và gần gũi thì họ cũng có xu hướng chọn cho sản phẩm của mình một vẻ ngoài cổ điển và hoài cổ hơn. Không cần phải là một thương hiệu lâu đời, một thương hiệu dù mới hay đã có 5, 10 năm tuổi tác cũng đều có thể áp dụng tốt xu hướng này, đây cũng là cách thức hiệu quả để xây dựng mối quan hệ trung thành của khách hàng với sản phẩm. Thậm chí đã có một số thương hiệu còn quay lại sử dụng mẫu thiết kế cũ của chính mình (như trường hợp 7up). 
Hai hình ảnh xưa và nay của hãng Genese Brewing đã minh chứng rằng, dù thương hiệu có “già nua” thế nào đi nữa vẫn có thể thích ứng và bắt kịp nhiều xu hướng khác nhau để trở nên hiện đại, hợp thời hơn. 
Với thâm niên 125 năm tuổi, hãng bia Genese đã quay lại với thiết kế họ từng sử dụng trong thập niên 1960 - cũng là giai đoạn huy hoàng của thương hiệu này. Tất nhiên là cũng có một số điều chỉnh mới với bản thiết kế này như tối giản hóa hơn, để mẫu thiết kế vẫn đảm bảo tính mới mẻ và liên kết với sản phẩm hiện tại. 

Các xu hướng thiết kế bao bì và thương hiệu của bạn 
Chúng tôi dự đoán rằng với 4 xu hướng vừa giới thiệu, năm 2016 sẽ là năm chứng kiến nhiều sự đột phá mới độc đáo của ngành thiết kế bao bì. Để có thêm cảm hứng thiết kế, bạn có thể tham khảo thêm 5 nguồn cảm hứng bao bì tuyệt đẹp về cà phê tại link sau đây (link: http://bit.ly/1NpmuCY


Theo brandfolder.com

Tuesday, December 8, 2015

Thiết kế website 2016 - Xu hướng nào sẽ hạ nhiệt và xu hướng nào sẽ lên ngôi

Cứ mỗi cuối năm, niềm vui của chúng tôi là cùng nhìn lại các xu hướng thiết kế website năm ngoái có đúng với dự đoán lúc đầu năm không và dự đoán xu hướng cho năm tiếp theo. 



Đã qua rồi cái thời website đầy ảnh GIF rối rắm, đèn sáng nhấp nháy và dải lụa bung khắp nơi của thập niên 90. Tại mỗi thời điểm, sẽ có những xu hướng thiết kế khác nhau lên ngôi, và của năm 2015 là những Grid layouts, Flat design, Animated Graphics,… Bạn đã biết về những xu hướng thiết kế được ưa chuộng này chưa? Và xu hướng nổi bật trong năm 2016 sẽ là gì? Hãy cùng điểm qua nhé! 

Các xu hướng thiết kế trong năm 2015 
Trong năm 2015, chúng ta đã thấy rất nhiều xu hướng mới được ứng dụng cho các website, trong số đó có thể kể đến 8 xu hướng nổi bật nhất sau đây: 



1. Flat design: Phẳng, đơn giản chính là những đặc điểm riêng biệt của Flat design. Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các UI từ mobile như iOS7 hay Windows Mobile, Flat Design với sự đơn giản, tinh tế, đẹp mắt rất được các designer yêu thích. Được lấy cảm hứng từ các style nghệ thuật khác nhau như International Typographic Style (hay còn gọi là Swiss Style), phong cách Bauhaus, phong cách tối giản, Flat Design tránh các kiểu nút bóng loáng, các cạnh nghiêng, mép lệch, đổ màu gradient, đa chiều. Đây là một trong những xu hướng phổ biến nhất trong năm 2015. 



2. Grid layout (bố trí dạng lưới): Sử dụng những màu đơn sắc, đường nét đậm, dưới dạng hình học với độ chính xác cao. Grid layout yêu cầu người thiết kế phải tính toán các đối tượng trong cấu trúc logic. Bạn có thể thấy rõ phong cách thiết kế này ở Pinterest, ưu điểm của phong cách này là dễ dàng thích ứng, tối ưu nội dung trong trang, sắp xếp chúng lại với nhau mà không làm mọi thứ rối tung lên. Đây điều mà website cần, nên không có gì ngạc nhiên khi mà thiết kế dạng lưới rất được ưa chuộng. 

3. Những bộ font độc đáo: Những website có tính cá nhân hóa cao sẽ dùng những font riêng biệt tạo vẻ ngoài hiện đại, độc đáo (Nếu không chọn được font “đặc biệt”, sự lựa chọn thường thấy là những font clean và simple). Font chữ viết tay cũng rất được ưa chuộng. 

4. Màu pastel sáng: Màu pastel luôn phù hợp với các thiết kế phẳng. Với sự lên ngôi của thiết kế phẳng, Google đã làm nhạt đi những tông màu pastel cơ bản, tạo nên những màu sắc mềm mại hơn để phù hợp với xu hướng. 

5. Illustration - Hình ảnh minh họa: Đang dần thay thế những hình ảnh tự chụp. Với những hình ảnh minh họa này, các designer có thể truyền đạt các thông điệp độc đáo, “không đụng hàng” mà không phải lo lắng vấn đề bị sao chép bản quyền. 

6. Lettering: 2015 dường như là năm của typography và lettering khi mà chúng được rất nhiều công ty và website ưa chuộng. Các graphic designer đã sáng tạo ra nhiều giải pháp ấn tượng để ứng dụng chúng vào trong thiết kế (ví dụ như có thể kết hợp title dưới dạng typography, font cực lớn ở trung tâm; hình nền minh họa full-screen và có nút chọn ở dưới). 

7. Materialistic designing: Xuất hiện lần đầu vào cuối năm 2014, Material design có nguồn gốc từ thiết kế phẳng, kết hợp giữa nhiều yếu tố như Animation design và Card design, là quy tắc design mà sử dụng những khoảng trắng và không gian một cách hợp lý. Chúng ta có thể tưởng tượng các phần mềm được xây dựng dựa trên Material design giống như nhiều tờ giấy khác nhau, mỗi tờ có một màu và bản thân nó tồn tại như một lớp riêng. Khi bạn chồng các tờ giấy này lên nhau thì bạn ra được giao diện chung của một ứng dụng. Google là người tiên phong sử dụng thiết kế này (giới thiệu cùng lúc với phiên bản Android 5.0 Lollipop), sau đó rất nhiều thương hiệu cũng đã theo đuổi xu hướng. 

8. Animated graphic – Hiệu ứng ảnh động: Hiệu ứng animation (dạng GIF) là nhân tố design được chú trọng trong năm 2015. Việc sử dụng các hình ảnh đa dạng và chuyển động được sẽ giúp cho việc đưa ra thông tin dễ dàng, thu hút hơn từ đó hướng người dùng theo câu chuyện của website. 


Dự đoán xu hướng mới trong năm 2016 
Khi những xu hướng cũ từ năm 2015 đã dần trở nên nhàm chán vì được sử dụng quá nhiều, chúng tôi dự đoán rằng sẽ có nhiều xu hướng mới xuất hiện (hoặc được phát triển và ứng dụng trên nền tảng phong cách cũ theo một cách hoàn toàn mới) trong năm 2016. 

1. Masonry grid layout – Bố cục layout Masonry (tên gọi này bắt nguồn từ tên một plugin trong Jquery là Masonry plugin, được phát triển bởi David DeSandro – một designer của Twitter). Có thể nói Masonry Grid Layout là sự cách tân mới của Grid layout theo hướng độc đáo hơn. Nếu như các bố cục layout cổ điển thường sử dụng thuộc tính Float trong CSS để dàn trang, sắp xếp các element side-by-side, nghĩa là sắp thứ tự theo chiều ngang rồi đến chiều dọc, chúng bỏ qua yếu tố về kích thước của các element. Điều đó tạo ra rất nhiều khoảng trống không cần thiết trong layout. Thì với Masonry Layout, các element sẽ được sắp xếp tương tự như trò chơi xếp gạch Tetris, tức là chỉ quy định sẵn kích thước chiều rộng (Width), phần chiều cao (Height) sẽ tùy theo khoảng trống có sẵn mà sắp xếp sao cho không tạo ra khoảng trống do khác hàng. 

2. Hand-Drawn Illustrations - Hình minh họa được vẽ bằng tay: Khi hình minh họa kiểu cũ dần không còn phù hợp, do các designer dường như đã cạn kiệt nguồn cảm hứng “tái chế” thì Hand-Draw Illusatiions sẽ mang lại sức sống mới cho website và những trải nghiệm sống động hơn cho người dùng. Ưu điểm của xu hướng này là mang lại “chất” riêng cho trang web. Gần gũi, duyên dáng, mềm mại, thanh lịch hay vui nhộn, đáng yêu,… tất cả tùy thuộc vào nét vẽ. Đánh dấu cá tính riêng của người thiết kế, mỗi trang web bạn tạo ra là độc nhất. Có thể khi lần đầu áp dụng xu hướng này, bạn sẽ vấp phải các bình luận cho rằng Hand-Drawn Illustration khiến website trông không chuyên nghiệp, không đẳng cấp chút nào, nhưng điều đó hoàn toàn không đúng nếu những hình minh họa này được sắp xếp hợp lý, gọn gàng, sắc nét, hài hòa với toàn bộ bố cục. 


3. Ảnh động CinemagraphVẫn là xu hướng ảnh động nhưng nay lại mang hơi thở hoàn toàn mới, Cinemagraph chỉ có một phần “đối tượng” giữa ảnh chuyển động tương phản với sự tĩnh lặng của phần còn lại. Cinemagraph lưu giữ những khoảnh khắc sống xuất hiện chỉ trong nháy mắt. Xu hướng này sẽ tạo cho người dùng một cảm nhận thú vị, là sự kết hợp giữa hình ảnh và video. 


4. Thiết kế bán phẳng - Semi flat design:  Thiết kế phẳng đã đạt được nhiều cú đột phá trong năm 2015, và sẽ không dừng lại. Flat design sẽ thay đổi thành một cái gì đó mới mẻ hơn, có lẽ là Semi flat design. Thiết kế bán phẳng sẽ giải quyết mọi vấn đề mà thiết kế phẳng gặp phải khi Semi flat design vẫn sẽ hầu như phẳng (Almost flat design), nhưng 1 số element trong đó sẽ có chiều sâu hơn khi được bổ sung thêm hiệu ứng 3D, đổ bóng và sử dụng thêm nhiều font hơn để tạo điểm nhấn trong thiết kế. 

Kết luận 
Trên đây là những xu hướng nổi bật đã thịnh hành trên thế giới trong năm 2015 và dự đoán các xu hướng mới sẽ lên ngôi trong năm sau. Sự phổ biến và hiệu quả là hai đại lượng tỷ lệ nghịch: càng được sử dụng nhiều, chúng càng mất đi độ “hot”, nhưng hãy cùng hy vọng vào những làn gió mới này sẽ là những trải nghiệm thú vị của năm 2016 sắp đến. Các xu hướng không bao giờ là vĩnh cửu và thay đổi từng ngày nhưng nó là tiền đề để bạn có thể sáng tạo hơn nữa. 
(Theo graphicdesignjunction.com và awwwards.com)

Thursday, December 3, 2015

7 CÁCH FEEDBACK HIỆU QUẢ CHO CREATIVE

Một chiến dịch tiếp thị thành công hội tụ đủ các yêu cầu ý tưởng hay, đơn giản và đẹp mắt. Nhưng ở hậu trường lại là cả một trận chiến ác liệt, bao gồm cả mâu thuẫn lớn giữa các thành viên trong nhóm dự án như account, designer, copywriter,… và cả khách hàng.
Không có ý tưởng lớn nào được hoàn thành chỉ bởi một cá nhân và thành phẩm cuối cùng cần qua nhiều lần đánh giá, chỉnh sửa và xét duyệt của các thành viên phụ trách trong dự án. Nhưng làm sao để đưa những feedback bác bỏ hoặc chỉnh sửa “đứa con tinh thần” của người sáng tạo mà không làm họ phiền lòng là cả một nghệ thuật.
Sau đây là một số cách để giảm căng thẳng cho quá trình feedback nhưng vẫn hướng đến một kết quả tốt cho công việc chung:

1.    Góp ý một cách tích cực
Một thiết kế dù rất tệ vẫn có một điểm nào đó có thể cứu vãn, nên đừng chỉ trích quá kịch liệt, vì bạn sẽ làm tổn thương đến tự ái của người làm ra nó. Trước hết hãy “xoa dịu” lòng người bằng cách khen một vài điểm tốt trong thiết kế, sau đó góp ý các điểm hạn chế. Như vậy, những feedback của bạn sẽ dễ nghe hơn rất nhiều.
Nếu đã cố gắng hết sức mà vẫn cảm thấy thiết kế không có gì để khen ngợi, ít nhất hãy cảm kích thời gian và nỗ lực mà creative đã bỏ ra khi làm việc. Nên ĐỪNG ĐẢ KÍCH.

2.    Chọn thời điểm thích hợp
Đừng phục kích creative bằng nhận xét bộc phát nhất thời. Dù có ý kiến, muốn chê bai ngay khi thấy bản thiết kế còn trên máy tính của họ, vẫn nên kiềm lại và đặt một lịch hẹn họp riêng vấn đề này. Suy nghĩ kỹ trước khi nói không bao giờ thừa, nhất là khi nhận xét, xem xét kỹ thiết kế trước khi họp, không nên chỉ nhìn qua loa rồi feedback hời hợt và cảm tính.
Hẹn trước cũng là cách để cho creative chuẩn bị tâm lý. Hãy lắng nghe và cởi mở. Chỉ nên hỏi ý kiến của 3-6 người chủ chốt để tránh sa đà và rối rắm. Nên NÓI ĐÚNG LÚC.

3.    Hãy đặt câu hỏi
Điều gì tồn tại cũng đều có lý do. Trước khi yêu cầu chỉnh sửa, hãy hỏi và lắng nghe người "tạo-ra-nó" vì sao họ làm vậy. Ngành sáng tạo đôi khi cùng một nội dung và mục đích nhưng có muôn vàn cách thực hiện. Lắng nghe cũng thể hiện sự tôn trọng của chúng ta với team creative và thành quả của họ. Ngoài ra, thường thì khi đặt nhiều câu hỏi cũng là lúc chúng ta khám phá ra được nhiều góc cạnh và lợi ích khác mà không ngờ đến đấy. Nên hãy ĐẶT CÂU HỎI

4.    Đưa ra hướng giải quyết cụ thể cho từng feedback
Người sáng tạo sẽ thích làm việc với người sáng tạo, biết kích thích sự sáng tạo, cảm nhận được và biết yêu sự sáng tạo. Dù bạn là khách hàng, account hay planning thì cũng phải là người thú vị, có xu hướng sáng tạo và hiểu mình đang làm gì. Hãy góp ý theo hướng từ chung chung đến cụ thể, và đưa ra hướng giải quyết rõ ràng cho từng trường hợp. Cần chỉ rõ vấn đề đang thấy không ổn, nếu chưa tìm ra nguyên nhân có thể nhờ người khác giúp đỡ hoặc tìm các case thiết kế tương tự đã thành công. Đừng bắt creative giải mã những gì mang tên “cảm thấy không ổn”. Nên RÕ RÀNG.

5.    Tránh sử dụng các cụm từ mang tính cá nhân trong góp ý và đừng nói người sáng tạo phải làm gì
Mục tiêu của feedback là cho file thiết kế, không phải để thỏa mãn các ý kiến cá nhân. Hãy để creative thấy và hiểu được vấn đề họ đang giải quyết là quan trọng, có ý nghĩa và họ cũng rất quan trọng. 
Đừng nói “Anh dùng sai font rồi”, hãy nói “Hình như font này không đúng thì phải?”. Quy tắc này áp dụng cho cả người góp ý là chính bạn, bởi thiết kế có mục đích phục vụ người dùng chứ không để thỏa mãn sở thích của riêng ai. 
Đừng nói: “Tôi không thích màu vàng”, hãy nói: “Mọi người sẽ thấy màu vàng là không đủ trang trọng”. Ngoài ra, hãy tham khảo các case trước đây để củng cố cho nhận xét; ví dụ như thay vì nói: “Hãy rút ngắn nội dung xuống 100 từ”, bạn hãy góp ý: “Theo tôi nhận thấy thì các nội dung ngắn trước đây cho hiệu quả cao hơn. Chúng ta có thể rút ngắn nội dung xuống 100 từ được không?". Nên CHUYÊN NGHIỆP.

6.    Viết ra các feedback
Để tiết kiệm thời gian và dễ dàng hơn cho creative, hãy ghi lại các góp ý. Với các góp ý qua điện thoại hoặc trong cuộc họp, hãy tóm tắt lại nội dung và gửi lại qua email hoặc share lại trên server chung, google drive, dropbox, … Ưu điểm của cách này còn để giúp dễ kiểm tra lại tiến độ chỉnh sửa và xem có thiếu sót hoặc nhầm lẫn gì không. Trong góp ý, tốt nhất hãy liệt kê các bước thực hiện, mốc deadline cụ thể. Nên VIẾT RA.

7.    Tập trung các feedback cùng một lúc
Mọi người sẽ có cách nhìn và ý kiến khác nhau. Nhận được những feedback trái ngược từ nhiều nguồn sẽ làm khó cho creative. Khi có nhiều người cùng quyết định, hãy tham khảo và cho ý kiến cùng lúc. Nên FEEDBACK MỘT LẦN.

Tóm lại, góp ý hiệu quả sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ tốt với team creative, tiến độ của dự án sẽ tốt hơn, và kết quả cuối cùng sẽ hoàn hảo hơn nếu các bên cùng tìm được tiếng nói chung.

(Theo blog.visual.ly)

Wednesday, November 25, 2015

NHẬN MAIL KHÁCH HÀNG - NHỚ BÌNH TĨNH

Khi mọi việc tưởng chừng như tốt đẹp: bạn nỗ lực hết mình cho dự án mới, hy sinh cuối tuần để hoàn thành deadline, khách hàng thích thiết kế của bạn và mối quan hệ giữa đôi bên xem chừng rất hòa hợp… thì khách hàng gửi cho bạn email than phiền và sổ toẹt vào công sức của bạn bấy lâu nay. Bạn sẽ phản ứng như thế nào??? Hãy cùng SDmedia xem qua 10 cách thức đối mặt với trường hợp “đau lòng” này nhé. 




1. Đừng phản ứng vội 
Đừng vội trả lời ngay khi nhận được thư của khách hàng, mà hãy cho bản thân một thời gian để bình tĩnh lại. Hành động khi đang nóng giận không phải là giải pháp khôn ngoan.

2. Đừng cá nhân hóa mọi chuyện 
Thế giới này không chỉ có mình bạn. Hãy suy nghĩ đa chiều như 1 trong 4 quy tắc sống hòa hợp của Toltec Wisdom: “Không ai trong cuộc đời làm một điều gì đó vì bạn. Những gì người khác nói và làm là phản ánh cho thực tại và giấc mơ của họ. Khi bạn trở nên miễn nhiễm với những ý kiến và hành động của người khác, bạn sẽ thoát khỏi những đau khổ không cần thiết”. 
Sẽ rất khôn ngoan nếu bạn có thể áp dụng quy tắc này vào công việc của mình. Khi nhận được một phản hồi tiêu cực, hãy lùi lại và hít thở sâu. Đừng để cảm xúc lấn lướt mình. Không có gì liên quan đến cá nhân bạn ở đây, chỉ đơn giản là khách hàng có vấn đề gì đó nhưng bạn chưa hiểu rõ mà thôi. Hãy suy nghĩ như họ đang có trục trặc với sếp, hoặc có một ngày tồi tệ chẳng hạn. 

3. Đừng suy diễn 
Khi không nghĩ theo hướng cá nhân hóa thì đầu óc bạn lại suy diễn linh tinh và bạn sẽ kết thúc trong hoảng loạn nếu cứ cho phép mình suy nghĩ như thế. Thay vào đó, hãy ngưng suy diễn và làm theo quy tắc của Toltec Wisdom: “Hãy lấy hết can đảm và đặt những câu hỏi để thể hiện điều bạn mong muốn. Hãy giao tiếp với người khác một cách rõ ràng nhất, để tránh những hiểu lầm, tranh cãi và kịch tính hóa vấn đề. Chỉ bằng 1 quy tắc đơn giản này, bạn có thể thay đổi cuộc sống của mình.” 


4. Đặt mình vào trường hợp của khách hàng 
Bây giờ, sau khi đã tránh xa mọi sự tiêu cực, bạn có thể suy xét vấn đề của khách hàng một cách thấu đáo hơn. Bạn hãy đặt mình vào vị trí của khách hàng để cảm thông cho những suy nghĩ của họ. 
Hãy đặt câu hỏi: Khách hàng nói như vậy có đúng không? Bạn có thể làm tốt hơn không? Có giải pháp nào khác cho đôi bên hay không? 

5. Tham khảo ý kiến người khác 
Nếu bạn vẫn chưa biết cách bắt đầu cuộc nói chuyện với khách hàng như thế nào hoặc vẫn đang bối rối, hãy xin lời khuyên từ đồng nghiệp, bạn bè hoặc gia đình. Là người trong cuộc bạn có thể không tỉnh táo và phản ứng thái quá, còn người ngoài sẽ cho bạn những góc nhìn khách quan và bình tĩnh hơn.

6. Phác thảo email trả lời 
Sau khi đã cân nhắc mọi chuyện, giờ là lúc viết email trả lời. Nên chừa trống phần địa chỉ email người nhận để thư được viết dưới dạng nháp, tránh trường hợp lỡ tay bấm nút gửi khi chưa viết xong. Tiếp theo, giọng văn không nên xúc phạm hoặc thô lỗ. Giữ giọng văn trung lập và từ từ giải thích mọi chuyện. 
Sau khi viết xong, hãy ngồi xuống và đọc to toàn bộ nội dung một lần nữa. Những câu từ đã thân thiện và bình tĩnh chưa? Cách nói chuyện có chuyên nghiệp hay không? Có chỗ nào còn tiêu cực hoặc quá thiên về cảm xúc hay không? Sau đây là một số ý để giúp bạn: 
• Cảm ơn khách hàng đã góp ý cho bạn 
• Xin lỗi vì khách hàng không vui 
• Giải thích một cách từ tốn rằng bạn sẽ làm mọi điều trong khả năng để giải quyết vấn đề và khiến khách hàng hài lòng 
• Đặt câu hỏi để biết khách hàng không hài lòng như thế nào (nếu cần thiết) 
• Đặt ra một số gợi ý để sửa chữa các sai lầm 
Cuối cùng, bạn nên nhờ ai đó đọc lại giúp bạn vì ý kiến khách quan là rất quý giá. Nhấn nút gửi và chờ khách hàng trả lời. Đừng nên quá căng thẳng khi chờ đợi, hãy đi đâu đó và thư giãn một chút. 

7. Nếu cảm thấy email không phù hợp, hãy gọi điện thoại 
Nếu bạn đã cố gắng viết email nhưng câu từ của bạn vẫn còn tiêu cực, đừng nên bực mình mà hãy chọn cách gọi điện thoại. Phác thảo trước những ý bạn muốn nói, và hãy mỉm cười trong khi nói chuyện. Hãy tự nhủ rằng khách hàng không muốn giết bạn đâu – giống như bạn, họ chỉ muốn công việc đạt kết quả tốt mà thôi. 


8. Chuẩn bị trước cho tương lai
Khách hàng cũng là con người. Họ rất dễ quên những gì bạn đã làm cho họ - do đó, hãy cập nhật họ mỗi ngày bằng email, trong đó ghi rõ những việc đã làm trong tuần như một báo cáo công việc, và ghi chú những thành công mà bạn đã đạt được. 
Hãy khiến khách hàng không bao giờ gởi những email như vậy nữa, bằng cách duy trì mối quan hệ tốt với họ qua những cuộc họp trực tiếp, nơi mọi người có thể thẳng thắn và cởi mở với nhau. 
Nếu có gì không rõ, hãy gọi điện thoại hỏi khách hàng. Hãy khiêm tốn, cảm thông và quan tâm đến họ. Hãy nghĩ đến những khó khăn mà khách hàng có thể gặp phải, và tin vào trực giác của chính mình vì như vậy bạn sẽ tránh được rất nhiều khó khăn. 

9. Học hỏi từ chuyện đã xảy ra 
Khi đã giải quyết xong mọi chuyện, hãy xem tất cả như là một bài học tốt. Trong suốt 8 năm điều hành công ty, tôi đã trải qua nhiều phen buồn bực và tuyệt vọng với khách hàng, nhưng bù lại tôi cũng học được cách giải quyết khôn ngoan. Hãy tin tôi, khách hàng than phiền không có nghĩa là họ muốn “xổ toẹt” vào động lực làm việc của bạn. Họ chỉ muốn những kết quả tốt cho công việc, và nếu bạn có thể kềm chế những cảm xúc tiêu cực của bản thân, bạn hoàn toàn có thể đương đầu với những chuyện tương tự và trở nên chuyên nghiệp theo thời gian! 

10. Đừng tuyệt vọng - Chuyện này không chỉ xảy đến với mình bạn! 
Chỉ trích của khách hàng là vấn đề mà dân creatives nào cũng từng nếm trải qua, thế nên bạn hãy xem đây là một phần “không thể thiếu” trong công việc của mình và đừng bi quan quá nhé! 

(Theo creativeboom.com)

Tuesday, November 17, 2015

LỊCH CÁT NHẬT 2016 - KHI TÍNH ỨNG DỤNG BẮT NGUỒN TỪ NÉT TRUYỀN THỐNG XƯA

Hôm nay SDmedia muốn giới thiệu đến các bạn một bộ lịch Tết 2016 thú vị lấy cảm hứng từ thói quen chọn-ngày-tốt của người Việt Nam. Từ những diễn giải, gợi ý những điều nên làm trong ngày tốt mỗi tháng, team sáng tạo đã cho ra đời tác phẩm Lịch cát nhật 2016 độc đáo đầy tính ứng dụng, thổi vào đó những cảm hứng mới mẻ cho nét truyền thống xa xưa. Hãy cùng SDmedia ngắm qua tác phẩm này nhé! 





Từ xưa, người Việt Nam đã có thói quen xem ngày tốt, xấu để dùng cho các việc đại sự của bản thân và gia đình. Thói quen này xuất phát từ quan niệm tìm lành tránh dữ, nếu chọn được ngày giờ tốt thì sẽ luôn gặp may mắn và thành công. Ngày nay, với nhịp sống bận rộn, nhiều người không còn tin vào phong tục xem ngày tốt xấu như trước nữa, mà thường quyết định chọn ngày miễn sao thuận tiện, phù hợp thời gian của mình và những người liên quan. Tuy nhiên, việc xem ngày tốt vẫn là thói quen đẹp, thể hiện thái độ nghiêm túc, thận trọng, và còn là một cách để chúng ta an tâm hơn khi quyết định một sự việc quan trọng. 

Nắm bắt thói quen đó, Lịch Cát Nhật 2016 ("Cát nhật" có thể hiểu nôm na là "ngày tốt") không chỉ đơn thuần liệt kê 365 ngày trong năm mà còn ghi chú thêm các ngày tốt. Sản phẩm được thiết kế theo phong cách hiện đại, kết hợp với nội dung thông tin giá trị, sẽ là sự lựa chọn lý tưởng cho những ai quan tâm đến việc chọn ngày tốt. 



Phong cách thiết kế hiện đại 
Đơn giản, tinh tế sẽ là những gì bạn cảm nhận được khi lật mở từng trang của quyển lịch này. 12 tháng với 12 cảnh trí khác nhau, được sắp xếp logic, tương đồng với sắc khí thời tiết đa dạng của các mùa trong năm. Những hình ảnh tiết khí với họa tiết mới mẻ được trình bày một cách hiện đại, sáng tạo. 

Tất cả hình ảnh trong bộ lịch được thực hiện với tông màu nhẹ nhàng, tạo cảm giác thân thiết gần gũi. Mùa xuân với sắc màu tươi mới ấm áp, mùa hạ với sắc xanh của biển, mùa thu với sắc lá vàng cam nồng nàn, mùa đông phủ trắng tuyết rơi... Tất cả những gam màu ấy cùng với chất liệu giấy Econo cao cấp đã tạo ra nét hiện đại đầy tính thẩm mỹ, hơn nữa còn phản ánh năng lượng tươi mới. 

Ngoài ra, kích thước lịch nhỏ gọn không chỉ thuận tiện, dễ sử dụng mà còn giúp không gian làm việc của bạn trở nên gọn gàng, ngăn nắp.







Nội dung thông tin giá trị 
Bộ lịch này đặc biệt ở chỗ thể hiện được các ngày tốt trong tháng. Các ngày tốt này được chọn lựa dựa theo "Đổng Công Tuyển Trạch Nhật Yếu Dụng", là sách chọn ngày tốt của Đổng Trọng Thư, tể tướng thời Hán Cao Tổ, do ông Lê Văn Sửu dịch. Sách tính ngày theo sao và dùng lịch thời khí theo 24 tiết khí trong năm. Các ngày tốt này cũng do sự chuyển động của các tiết khí mà ảnh hưởng. Ở cuối quyển lịch còn có phần diễn giải chi tiết cho các ngày tốt của mỗi tháng, gợi ý những điều nên làm. 





Giờ đây, việc chọn lựa ngày tốt đã trở nên dễ dàng hơn với Lịch Cát Nhật 2016 - một sản phẩm chất lượng, hiện đại do SDmedia thiết kế và ấn hành - chắc chắn sẽ đem đến trải nghiệm mới mẻ cho người dùng.


(Nguồn: SDmedia)

Xem thêm hình ảnh thiết kế và tải hình nền ưng ý của bộ Lịch cát nhật 2016 tại: http://sdmedia.vn/lich2016