Điều gì đứng giữa bạn và một designer bạn muốn trở thành sau
một năm nữa? Đó tất nhiên không phải là việc sở hữu một máy tính “khủng” hơn, một
monitor to hơn hay một bộ toolkit vẽ đáng nể hơn (mặc dù là chúng ta rất yêu
thích chúng). Mà thay vào đó là Thời gian và Thực hành.
Tuy nhiên, Thời gian không có nghĩa là bạn ngồi hàng giờ
trên máy tính. Làm việc chăm chỉ không giúp bạn trở thành một designer tốt nhất
bạn có thể trở thành trong năm 2015. Điều cốt lõi không phải là làm việc siêng
năng hơn, mà là làm việc thông minh hơn.
“Nếu bạn không biết mình thuộc tuýp designer nào, khách hàng của bạn cũng sẽ không biết”
Bước đầu tiên trong tiến trình trở thành một designer tốt
hơn trong năm mới là thay từ ‘’tốt hơn” bằng những từ thật cụ thể. Mục tiêu
càng không rõ ràng, thì càng khó khăn cho bạn đạt được chúng. Vì vậy, hãy cân
nhắc cho cẩn thận trước khi quyết định những mục tiêu liên quan đến sự nghiệp của
bạn trong năm 2015.
Những thiết kế nào là đặc sắc nhất của bạn trong 12 tháng vừa
qua? Nếu bạn không thể trả lời câu hỏi này ngay lập tức, hãy dành thời gian để
quyết định. Thiết kế nào sẽ giúp bạn có những nhận xét/phản hồi tích cực? Thiết
kế nào có được nhiều lượt xem nhất? Tiếp theo, hãy phân tích tại sao những thiết
kế đó là sản phẩm tốt nhất của bạn? Và những thiết kế khác, tại sao chúng không
phải là sản phẩm tốt nhất? Bạn luôn có khả năng thiên bẩm trong việc sử dụng
màu sắc? Hay là bạn đang mãi sử dụng một số loại font nhất định? Hay bạn chỉ
thoải mái làm việc cho một loại sản phẩm/một ngành nghề?
Những câu hỏi này sẽ đưa bạn đến một câu hỏi lớn hơn, quan
trọng hơn: BẠN THUỘC TUÝP DESIGNER NÀO? Nếu mục đích của bạn là trở nên xuất sắc
ở mọi lĩnh vực, bạn lưu ý rằng bạn chỉ có thể giỏi ở mọi lĩnh vực, nhưng không
thể xuất sắc.
Trở nên xuất sắc có nghĩa là nên chuyên môn hóa. Điều này không
có nghĩa là hạn chế bản thân bạn ở một lĩnh vực hay quay lưng với công việc
khác mà là phát triển thế mạnh của bạn, giúp bạn trở thành một cá thể độc nhất
và có tính cạnh tranh cao.
Càng chuyên môn hóa càng tốt! Mối quan tâm của bạn là web
design? Đó là một bước khởi đầu, nhưng vẫn còn khá mù mờ. Hãy tự hỏi bản thân bạn
loại khách hàng lý tưởng mà bạn muốn làm việc trong năm 2015? Họ sẽ là một hiệu
thời trang thể thao? Hay một công ty luật doanh nghiệp?
Nếu bạn muốn tập trung vào illustration, vậy phải chăng bạn
nên tìm kiếm khách hàng là những công ty thiết bị công nghệ đang cần những nhân
vật kỹ thuật số cho những phần mềm ứng dụng mới của họ? Hoặc là những công ty
giải khát độc lập đang cần những yếu tố vẽ tay trên nhãn bia của họ?
“Ngày mà bạn dừng quan sát là ngày bạn dừng thiết kế.”
Khi bạn biết mình thuộc tuýp designer nào – hoặc là tuýp
designer mà bạn muốn trở thành – bước tiếp theo là vạch ra kế hoạch để đạt được
mục tiêu.
Có lẽ cách tốt nhất là học hỏi từ những bậc tiền bối có cùng
khát vọng với bạn vào năm ngoái, hoặc cũng có thể là thế kỷ trước. Hãy tham khảo
sản phẩm của thần tượng của bạn và phân tích xem tại sao họ thành công. Điều gì
khiến bạn yêu thích những tác phẩm của họ? Và điều gì bạn không thích? Những
tác phẩm của họ khác gì so với của bạn? Và họ đã thực hiện dự án X. khác với dự
án Y. như thế nào?
Hãy dành thời gian để quan sát và học hỏi. Có phải những nghệ
sĩ kia có khả năng ứng dụng, kết hợp tốt hơn bạn? Hãy thay đổi điều này trong
năm nay. Có phải designer Z. chú ý nhiều đến trải nghiệm của người dùng? Nếu thế,
bạn cũng nên như vậy.
“Tất cả những người bạn gặp nên biết bạn thuộc tuýp designer nào.”
Nếu sáu tháng sau (hãy đánh dấu tháng 7 trong lịch của bạn
nhé!), không ai thấy được tiến triển của bạn nghĩa là bạn đã đánh mất nhiều cơ
hội. Thời gian mà bạn dành để thông báo về sự chuyên môn hóa của bạn là để giúp
bạn trở thành một designer “tốt hơn”, và cũng là một designer có tính cạnh
tranh hơn.
Nếu khách hàng tìm kiếm một designer làm một bìa sách, họ sẽ
thuê một người chuyên về lĩnh vực này? Hay một designer chỉ làm một bìa sách
trong một năm?
Tất cả sản phẩm (và chiến lược) của bạn để trở thành một
designer tốt hơn trong năm mới nên được thấy rõ trong portfolio của bạn. Nếu bạn
quyết định trở thành một designer chuyên về lĩnh vực XYZ, hãy đảm bảo rằng người
ta thấy được kết quả của chiến lược này.
Tất cả những người bạn gặp nên được biết rằng bạn thuộc tuýp
designer nào. Nếu bạn không có tài khoản Twitter hay Facebook, đây là thời điểm
bạn nên thay đổi. Còn nếu bạn đã có tài khoản Facebook và Twitter, bây giờ là
lúc bạn nên quảng bá về lĩnh vực chuyên môn của mình. Làm tương tự cho website
cá nhân và portfolio.
Theo graphicstock.com