Wednesday, November 25, 2015

NHẬN MAIL KHÁCH HÀNG - NHỚ BÌNH TĨNH

Khi mọi việc tưởng chừng như tốt đẹp: bạn nỗ lực hết mình cho dự án mới, hy sinh cuối tuần để hoàn thành deadline, khách hàng thích thiết kế của bạn và mối quan hệ giữa đôi bên xem chừng rất hòa hợp… thì khách hàng gửi cho bạn email than phiền và sổ toẹt vào công sức của bạn bấy lâu nay. Bạn sẽ phản ứng như thế nào??? Hãy cùng SDmedia xem qua 10 cách thức đối mặt với trường hợp “đau lòng” này nhé. 




1. Đừng phản ứng vội 
Đừng vội trả lời ngay khi nhận được thư của khách hàng, mà hãy cho bản thân một thời gian để bình tĩnh lại. Hành động khi đang nóng giận không phải là giải pháp khôn ngoan.

2. Đừng cá nhân hóa mọi chuyện 
Thế giới này không chỉ có mình bạn. Hãy suy nghĩ đa chiều như 1 trong 4 quy tắc sống hòa hợp của Toltec Wisdom: “Không ai trong cuộc đời làm một điều gì đó vì bạn. Những gì người khác nói và làm là phản ánh cho thực tại và giấc mơ của họ. Khi bạn trở nên miễn nhiễm với những ý kiến và hành động của người khác, bạn sẽ thoát khỏi những đau khổ không cần thiết”. 
Sẽ rất khôn ngoan nếu bạn có thể áp dụng quy tắc này vào công việc của mình. Khi nhận được một phản hồi tiêu cực, hãy lùi lại và hít thở sâu. Đừng để cảm xúc lấn lướt mình. Không có gì liên quan đến cá nhân bạn ở đây, chỉ đơn giản là khách hàng có vấn đề gì đó nhưng bạn chưa hiểu rõ mà thôi. Hãy suy nghĩ như họ đang có trục trặc với sếp, hoặc có một ngày tồi tệ chẳng hạn. 

3. Đừng suy diễn 
Khi không nghĩ theo hướng cá nhân hóa thì đầu óc bạn lại suy diễn linh tinh và bạn sẽ kết thúc trong hoảng loạn nếu cứ cho phép mình suy nghĩ như thế. Thay vào đó, hãy ngưng suy diễn và làm theo quy tắc của Toltec Wisdom: “Hãy lấy hết can đảm và đặt những câu hỏi để thể hiện điều bạn mong muốn. Hãy giao tiếp với người khác một cách rõ ràng nhất, để tránh những hiểu lầm, tranh cãi và kịch tính hóa vấn đề. Chỉ bằng 1 quy tắc đơn giản này, bạn có thể thay đổi cuộc sống của mình.” 


4. Đặt mình vào trường hợp của khách hàng 
Bây giờ, sau khi đã tránh xa mọi sự tiêu cực, bạn có thể suy xét vấn đề của khách hàng một cách thấu đáo hơn. Bạn hãy đặt mình vào vị trí của khách hàng để cảm thông cho những suy nghĩ của họ. 
Hãy đặt câu hỏi: Khách hàng nói như vậy có đúng không? Bạn có thể làm tốt hơn không? Có giải pháp nào khác cho đôi bên hay không? 

5. Tham khảo ý kiến người khác 
Nếu bạn vẫn chưa biết cách bắt đầu cuộc nói chuyện với khách hàng như thế nào hoặc vẫn đang bối rối, hãy xin lời khuyên từ đồng nghiệp, bạn bè hoặc gia đình. Là người trong cuộc bạn có thể không tỉnh táo và phản ứng thái quá, còn người ngoài sẽ cho bạn những góc nhìn khách quan và bình tĩnh hơn.

6. Phác thảo email trả lời 
Sau khi đã cân nhắc mọi chuyện, giờ là lúc viết email trả lời. Nên chừa trống phần địa chỉ email người nhận để thư được viết dưới dạng nháp, tránh trường hợp lỡ tay bấm nút gửi khi chưa viết xong. Tiếp theo, giọng văn không nên xúc phạm hoặc thô lỗ. Giữ giọng văn trung lập và từ từ giải thích mọi chuyện. 
Sau khi viết xong, hãy ngồi xuống và đọc to toàn bộ nội dung một lần nữa. Những câu từ đã thân thiện và bình tĩnh chưa? Cách nói chuyện có chuyên nghiệp hay không? Có chỗ nào còn tiêu cực hoặc quá thiên về cảm xúc hay không? Sau đây là một số ý để giúp bạn: 
• Cảm ơn khách hàng đã góp ý cho bạn 
• Xin lỗi vì khách hàng không vui 
• Giải thích một cách từ tốn rằng bạn sẽ làm mọi điều trong khả năng để giải quyết vấn đề và khiến khách hàng hài lòng 
• Đặt câu hỏi để biết khách hàng không hài lòng như thế nào (nếu cần thiết) 
• Đặt ra một số gợi ý để sửa chữa các sai lầm 
Cuối cùng, bạn nên nhờ ai đó đọc lại giúp bạn vì ý kiến khách quan là rất quý giá. Nhấn nút gửi và chờ khách hàng trả lời. Đừng nên quá căng thẳng khi chờ đợi, hãy đi đâu đó và thư giãn một chút. 

7. Nếu cảm thấy email không phù hợp, hãy gọi điện thoại 
Nếu bạn đã cố gắng viết email nhưng câu từ của bạn vẫn còn tiêu cực, đừng nên bực mình mà hãy chọn cách gọi điện thoại. Phác thảo trước những ý bạn muốn nói, và hãy mỉm cười trong khi nói chuyện. Hãy tự nhủ rằng khách hàng không muốn giết bạn đâu – giống như bạn, họ chỉ muốn công việc đạt kết quả tốt mà thôi. 


8. Chuẩn bị trước cho tương lai
Khách hàng cũng là con người. Họ rất dễ quên những gì bạn đã làm cho họ - do đó, hãy cập nhật họ mỗi ngày bằng email, trong đó ghi rõ những việc đã làm trong tuần như một báo cáo công việc, và ghi chú những thành công mà bạn đã đạt được. 
Hãy khiến khách hàng không bao giờ gởi những email như vậy nữa, bằng cách duy trì mối quan hệ tốt với họ qua những cuộc họp trực tiếp, nơi mọi người có thể thẳng thắn và cởi mở với nhau. 
Nếu có gì không rõ, hãy gọi điện thoại hỏi khách hàng. Hãy khiêm tốn, cảm thông và quan tâm đến họ. Hãy nghĩ đến những khó khăn mà khách hàng có thể gặp phải, và tin vào trực giác của chính mình vì như vậy bạn sẽ tránh được rất nhiều khó khăn. 

9. Học hỏi từ chuyện đã xảy ra 
Khi đã giải quyết xong mọi chuyện, hãy xem tất cả như là một bài học tốt. Trong suốt 8 năm điều hành công ty, tôi đã trải qua nhiều phen buồn bực và tuyệt vọng với khách hàng, nhưng bù lại tôi cũng học được cách giải quyết khôn ngoan. Hãy tin tôi, khách hàng than phiền không có nghĩa là họ muốn “xổ toẹt” vào động lực làm việc của bạn. Họ chỉ muốn những kết quả tốt cho công việc, và nếu bạn có thể kềm chế những cảm xúc tiêu cực của bản thân, bạn hoàn toàn có thể đương đầu với những chuyện tương tự và trở nên chuyên nghiệp theo thời gian! 

10. Đừng tuyệt vọng - Chuyện này không chỉ xảy đến với mình bạn! 
Chỉ trích của khách hàng là vấn đề mà dân creatives nào cũng từng nếm trải qua, thế nên bạn hãy xem đây là một phần “không thể thiếu” trong công việc của mình và đừng bi quan quá nhé! 

(Theo creativeboom.com)

Tuesday, November 17, 2015

LỊCH CÁT NHẬT 2016 - KHI TÍNH ỨNG DỤNG BẮT NGUỒN TỪ NÉT TRUYỀN THỐNG XƯA

Hôm nay SDmedia muốn giới thiệu đến các bạn một bộ lịch Tết 2016 thú vị lấy cảm hứng từ thói quen chọn-ngày-tốt của người Việt Nam. Từ những diễn giải, gợi ý những điều nên làm trong ngày tốt mỗi tháng, team sáng tạo đã cho ra đời tác phẩm Lịch cát nhật 2016 độc đáo đầy tính ứng dụng, thổi vào đó những cảm hứng mới mẻ cho nét truyền thống xa xưa. Hãy cùng SDmedia ngắm qua tác phẩm này nhé! 





Từ xưa, người Việt Nam đã có thói quen xem ngày tốt, xấu để dùng cho các việc đại sự của bản thân và gia đình. Thói quen này xuất phát từ quan niệm tìm lành tránh dữ, nếu chọn được ngày giờ tốt thì sẽ luôn gặp may mắn và thành công. Ngày nay, với nhịp sống bận rộn, nhiều người không còn tin vào phong tục xem ngày tốt xấu như trước nữa, mà thường quyết định chọn ngày miễn sao thuận tiện, phù hợp thời gian của mình và những người liên quan. Tuy nhiên, việc xem ngày tốt vẫn là thói quen đẹp, thể hiện thái độ nghiêm túc, thận trọng, và còn là một cách để chúng ta an tâm hơn khi quyết định một sự việc quan trọng. 

Nắm bắt thói quen đó, Lịch Cát Nhật 2016 ("Cát nhật" có thể hiểu nôm na là "ngày tốt") không chỉ đơn thuần liệt kê 365 ngày trong năm mà còn ghi chú thêm các ngày tốt. Sản phẩm được thiết kế theo phong cách hiện đại, kết hợp với nội dung thông tin giá trị, sẽ là sự lựa chọn lý tưởng cho những ai quan tâm đến việc chọn ngày tốt. 



Phong cách thiết kế hiện đại 
Đơn giản, tinh tế sẽ là những gì bạn cảm nhận được khi lật mở từng trang của quyển lịch này. 12 tháng với 12 cảnh trí khác nhau, được sắp xếp logic, tương đồng với sắc khí thời tiết đa dạng của các mùa trong năm. Những hình ảnh tiết khí với họa tiết mới mẻ được trình bày một cách hiện đại, sáng tạo. 

Tất cả hình ảnh trong bộ lịch được thực hiện với tông màu nhẹ nhàng, tạo cảm giác thân thiết gần gũi. Mùa xuân với sắc màu tươi mới ấm áp, mùa hạ với sắc xanh của biển, mùa thu với sắc lá vàng cam nồng nàn, mùa đông phủ trắng tuyết rơi... Tất cả những gam màu ấy cùng với chất liệu giấy Econo cao cấp đã tạo ra nét hiện đại đầy tính thẩm mỹ, hơn nữa còn phản ánh năng lượng tươi mới. 

Ngoài ra, kích thước lịch nhỏ gọn không chỉ thuận tiện, dễ sử dụng mà còn giúp không gian làm việc của bạn trở nên gọn gàng, ngăn nắp.







Nội dung thông tin giá trị 
Bộ lịch này đặc biệt ở chỗ thể hiện được các ngày tốt trong tháng. Các ngày tốt này được chọn lựa dựa theo "Đổng Công Tuyển Trạch Nhật Yếu Dụng", là sách chọn ngày tốt của Đổng Trọng Thư, tể tướng thời Hán Cao Tổ, do ông Lê Văn Sửu dịch. Sách tính ngày theo sao và dùng lịch thời khí theo 24 tiết khí trong năm. Các ngày tốt này cũng do sự chuyển động của các tiết khí mà ảnh hưởng. Ở cuối quyển lịch còn có phần diễn giải chi tiết cho các ngày tốt của mỗi tháng, gợi ý những điều nên làm. 





Giờ đây, việc chọn lựa ngày tốt đã trở nên dễ dàng hơn với Lịch Cát Nhật 2016 - một sản phẩm chất lượng, hiện đại do SDmedia thiết kế và ấn hành - chắc chắn sẽ đem đến trải nghiệm mới mẻ cho người dùng.


(Nguồn: SDmedia)

Xem thêm hình ảnh thiết kế và tải hình nền ưng ý của bộ Lịch cát nhật 2016 tại: http://sdmedia.vn/lich2016

Tuesday, November 10, 2015

BẠN LÀ AI TRONG NGÀNH THIẾT KẾ ĐỒ HỌA IN ẤN? (PHẦN 3)


Trong 2 phần đầu tiên của chuỗi bài blog “Bạn là ai trong ngành thiết kế in ấn?”, chúng ta đã tìm hiểu xong về Các cấp bậc chính trong ngànhCác vị trí mang tính chuyên môn cao. Trong bài viết cuối, chốt lại những thông tin nghề nghiệp của ngành, SDmedia xin giới thiệu đến các bạn chủ đề đang được quan tâm nhiều nhất:
Các vị trí Quản lý cấp cao, Chăm sóc khách hàng và Chuyên viên sản xuất in ấn



Nhìn chung, ngành Thiết kế đồ họa in ấn khái quát bao gồm các công việc : Giám đốc sáng tạo (Creative Director, người đề ra các ý tưởng), Giám đốc nghệ thuật (Art Director, có nhiệm vụ hiện thực hóa ý tưởng), Nhà thiết kế (Designer, thực hiện sản phẩm bằng công cụ máy tính), Kỹ thuật viên (in ấn, thợ thi công…). Những công việc này đòi hỏi liên kết chặt chẽ và hiểu biết đầy đủ của từng bộ phận, đặc biệt các Quản lý cấp cao & Chuyên viên Kỹ thuật càng cần có nhiều kiến thức chuyên ngành, được đào tạo bài bản và kinh nghiệm chinh chiến nhiều năm.

Art Director/Creative Director (AD/CD) - Giám đốc nghệ thuật/Giám đốc sáng tạo
Mô tả công việc: Là những vị trí cao nhất, có vai trò quan trọng, họ chịu trách nhiệm định hướng các ý tưởng lớn, những cái nhìn toàn cảnh và triển khai lại cho nhân viên dưới quyền. Nếu đội ngũ thiết kế là một dàn nhạc giao hưởng thì AD/CD chính là nhạc trưởng. Cụ thể với lĩnh vực in ấn, các thiết kế trong công ty đều cần họ duyệt qua, là người ra quyết định cuối cùng nhưng họ không trực tiếp làm việc trên file thiết kế.

Tại sao cần nền tảng về in ấn: Dù không trực tiếp làm việc trên file thiết kế, không phải bận tâm về các vấn đề như màu mực, loại giấy, ... nhưng AD/CD vẫn cần nhiều kiến thức về in ấn để hỗ trợ nhân viên cấp dưới khi cần thiết và đưa ra những quyết định cuối cùng.
Học vấn/kinh nghiệm: Tùy vào công ty tuyển dụng, nhưng yêu cầu thường thấy là cần có đầy đủ kỹ năng về mỹ thuật, thiết kế đồ họa (thậm chí là nhiếp ảnh), giàu kinh nghiệm (ít nhất 6 năm), có tư duy quản lý tốt và đào tạo được các designer dưới quyền. Kiến thức xã hội sâu sắc và vốn sống phong phú cũng là một lợi thế giúp bạn thăng tiến. Designer trung cấp/cao cấp sau một thời gian nỗ lực có thể thăng tiến lên nhưng cũng có trường hợp các công ty sẽ tuyển dụng người bên ngoài vào.
Mức lương tại Mỹ: Từ 62.750 đến 177.500 USD/năm
Ưu điểm:
› Là vị trí mơ ước của các bạn sinh viên ngành thiết kế đồ họa, truyền thông cho đến những Designer đang làm việc tại Agency
› Lương cao, với không gian sáng tạo gần như tuyệt đối.
› Chỉ cần tập trung xây dựng chiến lược, việc lặt vặt sẽ có cấp dưới phụ trách.
Khuyết điểm:
› Chịu nhiều áp lực về trách nhiệm và sự sáng tạo.
› Chủ yếu tập trung quản lý và định hướng chiến lược nên sẽ không phù hợp nếu bạn chỉ yêu thích công việc thiết kế.
› Do cần rất nhiều kinh nghiệm liên quan nên sẽ rất khó để đạt ngay vị trí này. Thường thì bạn phải bắt đầu từ các vị trí thấp hơn và nỗ lực thăng tiến lên.

Print Shop Manager - Quản lý sản xuất in ấn
Mô tả công việc: Quản lý sản xuất in ấn là người “gánh vác nhiều trách nhiệm”. Họ có thể là chủ doanh nghiệp hoặc là người đi làm thuê đại diện chủ doanh nghiệp quản lý xưởng in ấn. Họ chịu trách nhiệm cả trong kinh doanh, marketing cho đến tuyển dụng, quản lý nhân viên và làm việc với đối tác… với mục tiêu xưởng làm ăn hiệu quả và có lời.

Tại sao cần nền tảng về in ấn: Bạn không thể tồn tại ở xưởng in nếu không có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất in ấn. Để ứng tuyển vị trí này, hơn bất kỳ ai khác, bạn cần nắm rõ sản phẩm mình làm, phương pháp xử lý in ấn, chất liệu giấy, màu sắc và phương pháp pha tách mực. Bạn còn chịu trách nhiệm tuyển dụng và quản lý các designer trong xưởng, nên càng vững về kiến thức in ấn càng giúp bạn đánh giá chính xác được khả năng của nhân viên và quản lý hiệu quả hơn.
Học vấn/kinh nghiệm: Ít nhất bạn cần bằng cao đẳng/đại học về quản trị kinh doanh. Không dừng lại ở đó, để công việc phát triển, bạn phải không ngừng trao dồi kiến thức kinh doanh từ sách và các hội thảo chuyên môn - nơi thường xuyên cập nhật kiến thức về công nghệ in ấn, xu hướng và phương pháp quản lý mới nhất.
Mức lương tại Mỹ: 108.070 USD/năm
Ưu điểm:
› Tự mình làm chủ và quản lý doanh nghiệp của chính mình. Nếu là người được thuê ngoài, bạn vẫn nắm quyền chủ động trong cuộc việc của mình.
› Có thể kiếm được rất nhiều tiền nếu xưởng in làm ăn hiệu quả.
Khuyết điểm:
› Công việc rất áp lực, cần nhiều vốn đầu tư ban đầu (nếu tự kinh doanh) và thường xuyên làm việc ngoài giờ (cả ban đêm và cuối tuần).
› Rủi ro cao, đặc biệt nếu bạn quyết định kinh doanh một mình.

Print Shop Customer Service Representative – Nhân viên chăm sóc khách hàng
Mô tả công việc: Đây là một vị trí rất tốt để khởi đầu sự nghiệp trong ngành đồ họa in ấn với Designer. Các công ty thiết kế và sản xuất in ấn luôn cần người đại diện có thể nắm rõ kiến thức cần thiết về design và hiểu biết quy trình in ấn để làm việc với khách hàng - là cầu nối tư vấn giữa công ty và khách hàng, giúp họ chọn được giải pháp in ấn phù hợp với nhu cầu.

Tại sao cần nền tảng về in ấn: Ngoài thiết kế, bạn cần nắm rõ quá trình in ấn để hỗ trợ, trả lời câu hỏi của khách hàng và giúp họ đưa ra các phương án in ấn tối ưu.
Học vấn/kinh nghiệm: Là vị trí sơ cấp nên không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Nhưng bạn càng có nhiều kiến thức tổng quan thì cơ hội tìm được việc càng cao. Hầu hết các xưởng in sẽ đào tạo thêm sau tuyển dụng, dù đa số sẽ đòi hỏi bạn có kiến thức về bán hàng/chăm sóc khách hàng. Kỹ năng giao tiếp tốt, cũng như kinh nghiệm làm việc trên những phần mềm thiết kế phổ biến là rất cần thiết.
Mức lương tại Mỹ: 38,850 USD/năm
Ưu điểm:
› Vị trí sơ cấp với nhiều cơ hội thăng tiến và được đào tạo thêm.
› Giờ làm việc linh động.
› Có thưởng, hoa hồng ngoài lương chính.
Khuyết điểm:
› Ít có cơ hội được làm công việc thiết kế.
› Có thể rất áp lực do phải tiếp xúc với khách hàng và phải thường cập nhật các kiến thức mới về in ấn.

KỸ THUẬT VIÊN IN ẤN: Các công việc sau đây sẽ ít liên quan đến thiết kế mà thiên về kỹ thuật in ấn nhiều hơn.

Prepress Technician - Nhân viên chế bản
Mô tả công việc: Một nhân viên chế bản sẽ làm việc tại nhà in và chuẩn bị các bước trước khi in file. Công việc sẽ bao gồm thiết kế chế bản in, kiểm tra file, thực hiện các chỉnh sửa (nếu cần thiết), kiểm tra phim và bản in nhằm đảm bảo sản phẩm in ra đúng với yêu cầu thiết kế ban đầu.

Tại sao cần nền tảng về in ấn: In ấn là môi trường làm việc chính, do đó hơn ai hết bạn cần nắm rõ các quy trình in ấn, có kinh nghiệm với các lỗi in để có thể phát hiện các lỗi tiềm tàng. Nghề sẽ dạy nghề khi bạn bước vào môi trường này, tuy nhiên, càng nhiều kinh nghiệm thì bạn càng được đánh giá cao.
Học vấn và kinh nghiệm: Một số nơi có thể yêu cầu bằng cấp về thiết kế. Tuy nhiên, bạn có thể nộp đơn từ vị trí sơ cấp và được đào tạo thêm trong quá trình làm việc.
Mức lương tại Mỹ: Từ 23.351 đến 51.373 USD/năm
Ưu điểm:
› Có thể là cánh cửa tuyệt vời để bước chân vào các nhà in.
Khuyết điểm:
› Nhu cầu nhân sự cho công việc này đang giảm sút, do nhiều nhà in hiện nay có thể in trực tiếp trên file khách hàng gửi.
› Rất áp lực – nếu bạn không thể phát hiện ra các lỗi sai trước khi in, sản phẩm in có thể bị hư hỏng toàn bộ.

Print Production Operator - Nhân viên vận hành in ấn
Mô tả công việc: Nhân viên ở vị trí này sẽ phụ trách các vấn đề kỹ thuật liên quan đến vận hành máy móc trong quá trình in ấn. Họ là người đảm bảo chất lượng của sản phẩm in.

Tại sao cần nền tảng về in ấn: Dù công việc này thiên về kỹ thuật nhiều hơn, nhưng kiến thức về in ấn vẫn rất quan trọng, ví dụ, họ cần biết quá trình in đang quá nhiều/quá ít mực và điều chỉnh ngay lúc đó.
Học vấn/kinh nghiệm: Công việc này yêu cầu đào tạo đặc biệt, và có các chứng chỉ cho thấy khả năng sử dụng thành thạo những máy in có trong xưởng. Hầu hết các nhà in sẽ nhận người mới vào làm và đào tạo thêm, nhưng cũng có trường hợp yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm trước đó. Một số kiến thức về thiết kế in ấn là cần thiết, nhưng thường không cần các chứng chỉ/bằng cấp chính thức về thiết kế.
Mức lương tại Mỹ: 40.237 USD/năm
Ưu điểm:
› Nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.
› Không cần bằng đại học.
› Có kinh nghiệm trực tiếp về in ấn và cơ hội học hỏi những kỹ thuật in hiện có.
Khuyết điểm:
› Môi trường làm việc ồn ào và căng thẳng.
› Công nghệ in ấn luôn luôn phát triển, do đó bạn phải luôn cập nhật các kiến thức mới.

Print Finishing - Nhân viên thành phẩm
Mô tả công việc: Nhân viên thành phẩm sẽ hoàn thiện các sản phẩm in, ví dụ như đóng sách, gấp các sản phẩm in hoặc các công việc lặt vặt khác.

Tại sao cần nền tảng về in ấn: Nếu không cẩn thận và không nắm rõ một số kỹ thuật thành phẩm, bạn có thể làm hư hỏng các thiết kế của khách hàng. Bên cạnh đó, hiểu rõ quy trình làm thành phẩm sẽ giúp bạn thực hiện công việc thuần thục và hiệu quả hơn.
Học vấn/kinh nghiệm: Đây là một vị trí sơ cấp với rất ít đòi hỏi từ phía nhà tuyển dụng, chỉ cần có nền tảng về thiết kế in ấn thì chắc chắn bạn sẽ được nhận. Đa phần bạn sẽ được đào tạo thêm để lấy chứng chỉ sử dụng thiết bị máy móc mà bạn sẽ làm việc cùng.
Mức lương tại Mỹ: Từ 24.000 đến 36.000 USD/năm
Ưu điểm:
› Không cần nhiều kinh nghiệm, và nhu cầu nhân sự cũng nhiều.
› Cơ hội tốt để học hỏi về quy trình và công nghệ in ấn.
› Có cơ hội thăng tiến lên các vị trí kỹ thuật.
Khuyết điểm:
› Môi trường làm việc ồn ào và bận rộn với chuỗi công việc theo dây chuyền.
› Cần nhiều sức lao động.
› Lương thấp.

Kết
Do tính chất đa dạng, nghề Thiết kế đồ họa in ấn đòi hỏi sự kết hợp nhiều kỹ năng, kiến thức chuyên môn mà một cá nhân không thể nào đảm đương nổi. Từ việc tập trung ý tưởng, định hướng sáng tạo, vẽ tay phác thảo, đến khi thể hiện, xử lý layout trên máy tính…, mỗi công việc là một mảnh ghép nhỏ dựng nên một tác phẩm nghệ thuật lớn, mang đậm dấu ấn công nghệ đồ họa hiện đại – thành phẩm in ấn cuối cùng.
Cơ hội nghề nghiệp luôn hiện hữu khắp mọi nơi, chỉ cần bạn biết rõ mình đang tìm kiếm điều gì. Hãy luôn luôn linh động và nắm bắt cơ hội ngay khi nó xuất hiện, dù đó chỉ là công việc freelance hay làm việc nhóm, biết đâu em gái của hàng xóm của dì bạn đang cần thiết kế logo cho công ty mới của cô ấy đấy! 

Bạn có những bí quyết về tìm việc muốn chia sẻ với chúng tôi? Hay bạn đang làm việc trong những công ty in ấn đáng mơ ước - hãy chia sẻ cách bạn đã ứng tuyển thành công!


Theo companyfolders.com
Xem thêm: 
Phần 1: General Hands-On Design Careers: Các cấp bậc chính của designer
Phần 2: Specialized Hands-On Design Careers: Các vị trí cần chuyên môn cao

Wednesday, November 4, 2015

BẠN LÀ AI TRONG NGÀNH THIẾT KẾ ĐỒ HỌA IN ẤN? (PHẦN 2)

Bước chân vào cánh cửa của thế giới đồ họa không đơn thuần chỉ là một sự lựa chọn ngẫu nhiên. Khi bạn say mê công việc và muốn trở thành một Designer chuyên nghiệp, thì cũng đồng nghĩa với việc bạn cần phải tìm hiểu một cách thấu đáo để có thể chắc chắn rằng con đường sẽ dấn thân là con đường dẫn đến sự thành công bền vững nhất. 

Nằm trong chuỗi bài blog “Hiểu về ngành Thiết kế đồ họa in ấn”, ở Phần 1, chúng ta đã tìm hiểu xong về “Các cấp bậc chính trong ngành”. Hôm nay SDmedia sẽ tiếp tục giới thiệu sâu hơn về Phần 2:
Specialized Hands-On Design Careers - Các công việc tính chuyên môn cao
Commercial Artist/Illustrator - Họa sĩ vẽ minh họa 
Mô tả công việc: Họa sĩ vẽ minh họa là người tạo nên các hình vẽ hoặc hình ảnh phục vụ nhu cầu in ấn. Nó bao gồm tất cả mọi thứ từ vẽ minh họa cho quảng cáo trên báo in, đến các sản phẩm thiết kế thương hiệu hoặc tạo hình nhân vật đại diện cho thương hiệu, vẽ tranh hoạt hình, minh họa sách ... 
Khác biệt cơ bản họa sĩ vẽ minh họa với một họa sĩ thực thụ đó là họa sĩ vẽ minh họa sáng tạo phục vụ nhu cầu khách hàng. Thường họ làm việc freelance hoặc cho các công ty marketing/quảng cáo.

Tại sao cần nền tảng về in ấn: Dù làm việc trên các chất liệu truyền thống hay kỹ thuật số, mục đích cuối cùng vẫn là kết quả trên in ấn. Do đó, tùy thuộc công việc mà bạn cần hiểu rõ các màu pantone hoặc làm việc với hệ màu CMYK. Bên cạnh đó, nắm rõ những nguyên lý thiết kế lúc nào cũng hữu ích cho mọi họa sĩ, dù bạn làm việc như thế nào và ở đâu đi nữa. 
Học vấn/kinh nghiệm: Là một họa sĩ minh họa, cơ hội được nhận vào làm tùy thuộc vào những gì bạn thể hiện trên porfolio chứ không phải trên bằng cấp. 
Mức lương tại Mỹ: Từ 39.500 đến 75.500 USD/năm 
Ưu điểm: 
 Các họa sĩ có thể kiếm thêm thu nhập trong khi vẫn đang thực hiện các tác phẩm sáng tạo của họ. 
 Có thể làm việc freelance và tự do chọn lựa khách hàng.
 Mỗi lĩnh vực có đặc thù khác nhau, do đó có thể chọn lĩnh vực phù hợp với sở thích và khả năng. 
Khuyết điểm
 Là một lĩnh vực khó tìm khách hàng (nếu làm việc freelance); nhiều áp lực với deadlines và nhiều khi phải đối mặt với điểm ì trong sáng tạo. 
 Luôn luôn phải cải thiện thiết kế, đồng nghĩa với việc phải nỗ lực làm việc và rèn luyện hết mình dù không được trả thêm. 

Logo designer - Thiết kế logo 
Mô tả công việc: Thiết kế logo là một kỹ năng đặc biệt đến nỗi nếu thật sự giỏi, bạn không cần làm thêm gì khác mà vẫn đủ sống. Logo là một phần cực kỳ quan trọng trong nhận diện thương hiệu, nên đây là một công việc lương cao nhưng nhiều áp lực. Công việc của logo designer sẽ ảnh hưởng đến tất cả công việc design cho thương hiệu, do logo là một phần của website và in ấn sau đó. 

Tại sao cần nền tảng về in ấn: Logo designer cần nhận thức rõ sản phẩm của mình làm ra sẽ được ứng dụng thế nào trong tương lai, bao gồm cả các nguyên liệu in ấn. Logo cần phải đẹp mắt trên in ấn, thậm chí khi ở màu đơn sắc. Do đó, designer cần có kiến thức cơ bản về in ấn để có thể chuẩn bị cho mọi trường hợp có thể xảy ra khi in ấn logo. 
Học vấn/kinh nghiệm: Đây là một lĩnh vực chuyên môn mang tính đặc thù nên bạn cần đào tạo bài bản. Ngoài kiến thức về design, bạn cần hiểu về marketing dù là trên lý thuyết hay kinh nghiệm, hay tốt nhất là cả hai. Bên cạnh đó, một porfolio ấn tượng với các logo từng thiết kế là điều không thể thiếu. 
Mức lương tại Mỹ: 52.670 USD/năm 
Ưu điểm
 Nếu xuất sắc, bạn sẽ kiếm được rất nhiều tiền do logo được dùng rất nhiều trong xây dựng thương hiệu. 
 Có thể tự nhận dự án riêng hoặc làm trong các agency marketing và quảng cáo. 
 Luôn có việc để làm do có rất nhiều doanh nghiệp mới mọc lên mỗi ngày hoặc các doanh nghiệp muốn xây dựng lại thương hiệu. 
Khuyết điểm
 Khó chen chân vào lĩnh vực này do bạn cần phải có kinh nghiệm và kiến thức thật sự. 
 Rất áp lực và đòi hỏi cao về sự sáng tạo. 
 Có thể phải đảm đương hết mọi việc trong thiết kế, hoặc cạnh tranh với nhiều đối thủ. 

Packaging Designer - Thiết kế bao bì 
Mô tả công việc: Hầu hết những sản phẩm bạn mua đều có bao bì. Thiết kế bao bì sao cho đẹp mắt và hữu dụng nhằm tôn lên giá trị sản phẩm là công việc của các designer thiết kế bao bì. Mọi người thường nói đừng nên đánh giá một quyển sách khi chỉ nhìn bìa sách nhưng đôi khi chúng ta vẫn nhìn nhận giá trị món đồ qua vỏ hộp hoặc bao bì của nó. Điều này đòi hỏi designer phải thiết kế sao cho bao bì cũng được đánh giá tốt như sản phẩm bên trong. Tính toán hình dáng, kích thước và chức năng của bao bì, bao bì sẽ được trưng tại cửa hàng/siêu thị và vận chuyển như thế nào …tìm ra câu trả lời hợp lý nhất cho những vấn đề trên là công việc của các designer trong lĩnh vực này 

Tại sao cần nền tảng về in ấn: Thường các Designer thiết kế bao bì có xuất phát điểm là in ấn, do công việc của họ cũng giống như Graphic designer, phải đảm bảo chất lượng sản phẩm từ lúc thiết kế đến lúc thành phẩm. Họ cũng có những giới hạn tương tự khi thiết kế như số lượng màu sử dụng hoặc các yêu cầu chi tiết khác. 
Học vấn/kinh nghiệm: Đa số yêu cầu bằng cử nhân của một số ngành nghề liên quan như thiết kế hoặc marketing. Công việc này có thể là vị trí sơ cấp, thực tập không lương hoặc nhân viên nhưng yêu cầu đào tạo thêm. Kinh nghiệm về mỹ thuật và thiết kế thường là bắt buộc, nhưng một số nhà thiết kế bao bì còn có nền tảng về ngành công nghiệp và kỹ thuật.
Mức lương tại Mỹ: từ 57.750 đến 86.500 USD/năm 
Ưu điểm
 Lương có thể cao, với nhiều cơ hội phát triển. 
 Có nhiều tự do trong sáng tạo do môi trường này đánh giá cao những ý tưởng độc đáo. 
Khuyết điểm 
 Có thể rất áp lực tùy vào mức độ trách nhiệm. 
 Lĩnh vực làm việc chuyên sâu nên bạn sẽ khó tìm việc. 

Print Marketing Designer - Thiết kế ấn phẩm marketing 
Mô tả công việc: Công việc thiết kế nói chung đều có liên quan ít nhiều đến marketing, tuy nhiên, nếu chọn chuyên ngành là thiết kế ấn phẩm marketing, bạn sẽ phải làm việc cho một công ty marketing hoặc công ty quảng cáo độc lập. Công việc có thể đi từ vị trí sơ cấp đến cao cấp hoặc hơn nữa, hình thức làm việc có thể theo nhóm hoặc lãnh đạo. Designer in ấn chuyên về marketing thường không làm việc một mình ngay cả khi làm việc freenlance. Designer in ấn chuyên về marketing phải tập trung vào các chiến dịch marketing liên quan đến in ấn của khách hàng. Chính vì vậy, nó bao gồm tất cả các công việc của thiết kế in ấn, bao gồm name card, letterhead, bìa hồ sơ, postcard, format email, tờ rơi, coupon, brochures và booklet.

Tại sao cần nền tảng về in ấn: Do print marketing chuyên về tiếp thị nhận diện thương hiệu nên kiến thức về in ấn là yếu tố hiển nhiên và bắt buộc để có thể khai thác tối đa tiềm năng của thương hiệu. Bạn sẽ không thể làm kiểu “vừa làm vừa học” được. Thay vào đó bạn phải tập trung tất cả kiến thức có được về in ấn để tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả nhất. 
Học vấn và kinh nghiệm: Hầu các vị trí sơ cấp sẽ đòi hỏi bằng cử nhân/cao đẳng về design hoặc marketing, và kinh nghiệm làm việc sẽ bù đắp các sai khác trong bằng cấp. Chỉ thiết kế cho đẹp thôi là chưa đủ, bạn còn phải biết “làm” thương hiệu, nghĩa là phải thiết kế sao cho khách hàng cảm thấy hứng thú với dịch vụ hoặc sản phẩm đó. Tùy thuộc vào cấp bậc và vị trí mà bạn có thể phải tự gánh trách nhiệm hoặc làm việc dưới sự chỉ đạo của một giám đốc sáng tạo.
Mức lương tại Mỹ: Khác nhau rất nhiều tùy theo kinh nghiệm làm việc của mỗi người. 
Ưu điểm 
 Nhiều cơ hội nghề nghiệp, do hầu hết công việc thiết kế đều đòi hỏi kiến thức về marketing.
 Có nhiều cơ hội phát triển do công việc này có nhiều cấp độ: từ thực tập, nhân viên sơ cấp, cao cấp đến giám đốc sáng tạo. 
Khuyết điểm 
 Nhiều công ty marketing sẽ muốn bạn có kinh nghiệm về thiết kế web, để có thể xây dựng những chiến dịch marketing mà không cần hỗ trợ thiết kế từ bên ngoài. 
 Môi trường làm việc áp lực cao do trách nhiệm công việc, phải chiều ý khách hàng. 

Print Publication Designer - Thiết kế in ấn xuất bản 
Mô tả công việc: Chuyên thiết kế các ấn phẩm như báo, tạp chí, sách và truyện có tranh minh họa. Designer trong lĩnh vực này cần giỏi dàn trang, cẩn thận và tỉ mỉ để đảm bảo nội dung cuối cùng sẽ rõ ràng, đồng nhất và mạch lạc. Công việc cụ thể bạn làm sẽ rất khác nhau tùy thuộc vào loại ấn bản, có thể là thiết kế quảng cáo cho tạp chí, dàn trang báo, thiết kế bìa sách … 

Tại sao cần nền tảng về in ấn: Quá trình in ấn trong xuất bản không quá khác biệt so với các lĩnh vực khác, do đó kiến thức in ấn nền tảng sẽ hữu ích. Bên cạnh đó, sẽ cần thêm một số kiến thức chuyên sâu tùy vào loại hình ấn phẩm, ví dụ, bạn cần biết về cách đóng gáy và in ấn đặc thù cho sách. 
Học vấn/kinh nghiệm: Ngoài bằng cử nhân về thiết kế, bạn có thể cần thêm kiến thức về báo chí, viết lách, nghệ thuật chữ và một số kiến thức phục vụ công việc. Thường đòi hỏi 3-4 năm kinh nghiệm, tuy nhiên nếu không có vẫn có thể nộp đơn cho các vị trí sơ cấp hoặc thực tập. 
Mức lương tại Mỹ: 44.320 USD/năm 
Ưu điểm
 Công việc ý nghĩa hơn do các sản phẩm thiết kế sẽ đến với nhiều người. 
 Có thể làm việc trực tiếp cho một nhà xuất bản, hoặc làm freelance cho nhiều nhà xuất bản.
Khuyết điểm 
 Môi trường làm việc rất áp lực, với các deadline xuất bản.
 Khó tìm việc do tình hình xuất bản đang khó khăn, mức độ cạnh tranh cao. Đôi khi cần phải đến các thành phố lớn để tìm việc. 

Tạm kết 
Những giấc mơ thành hiện thực - Để theo đuổi niềm đam mê, các bạn trẻ đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi bạn phải đầu tư thời gian, công sức và đặc biệt là phải có tính kiên nhẫn để tồn tại và phát triển trong nghề. Để trở thành một designer giỏi với công việc hấp dẫn và mức lương cao tuy nói là khó nhưng không đồng nghĩa với không thể làm được, quan trọng là bạn dám làm, dám thử thách. Mong rằng với bài blog tuần này, chúng tôi đã giúp các bạn có những thông tin sâu hơn về ngành nghề mình đang lựa chọn và theo đuổi. Cùng theo dõi các blog tiếp theo cũng là phần cuối của chuỗi bài “Hiểu về ngành thiết kế đồ họa in ấn” của SDmedia để tìm hiểu về Các vị trí đứng đầu chịu trách nhiệm chính của ngành thiết kế đồ họa nhé!
Theo companyfolders.com


Xem thêm: