Sunday, April 24, 2016

CẨM NANG BỎ TÚI CHO MỘT THIẾT KẾ NAMECARD HOÀN HẢO

Bạn có biết: Trong số 27.397.260 namecard ra đời hàng ngày, 88% sẽ bị vứt đi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên con số này không có nghĩa là namecard không hiệu quả. Ngược lại, chỉ cần 2.000 namecard được phân phát sẽ giúp nâng doanh số của doanh nghiệp lên gần 3% - một con số cực kỳ ấn tượng cho một công cụ marketing. Vậy câu hỏi đặt ra, tại sao đa số namecard lại thất bại?

Câu trả lời rất đơn giản: bởi vì chúng không đủ đẹp và ấn tượng. Không ai muốn giữ lại một thiết kế xấu cả, và chính vì cái tội “xấu” mà mọi công sức và tiền bạc đầu tư cho namecard sẽ đổ sông đổ bể vì không ai nhớ đến chủ nhân của chúng.



Và tất nhiên, mọi trọng trách giờ được đặt trên vai của designer – làm thế nào để thiết kế nên được những namecard đẹp, độc và có “tuổi đời” cao hơn? Giữa quá nhiều namecard na ná nhau, phải làm sao để khác biệt? Hôm nay SDmedia sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó nhé. Bài blog tuần này là cẩm nang gồm 12 bước cần làm để cho ra đời một thiết kế namecard hoàn hảo do rất nhiều chuyên gia sáng tạo đúc kết lại, hi vọng chúng sẽ như một guideline bỏ túi hiệu quả cho chúng ta!
1. Lên kế hoạch cụ thể 
Tốt nhất nên tìm hiểu trước khi bắt tay vào thiết kế, làm rõ với khách hàng thông qua 1 bảng brief chi tiết nhất (bao gồm: thương hiệu và phong cách của khách hàng). Từ đó, thu nhỏ dần phạm vi và hình dung được loại namecard cần thiết kế, tham khảo các thiết kế mẫu trên mạng hoặc thực tế (như Behance, …). Xem xét từng ý tưởng với mục tiêu ban đầu, cái nào sẽ phù hợp, cái nào không?

Trước khi chọn ra concept mà bạn thích, cần dành một ít thời gian suy nghĩ về các quy luật thiết kế để hỗ trợ cho concept đó. Ví dụ, màu đen sẽ phù hợp với ngành luật bởi nó tượng trưng cho sự phức tạp nhưng lại không phù hợp với lĩnh vực làm bánh bởi khiến ta liên tưởng đến những chiếc bánh bị … cháy. Một ý tưởng dù độc đáo đến mấy nhưng không mang lại lợi ích cho khách hàng cũng phải bị loại bỏ.

2. Thông tin nào sẽ xuất hiện trên namecard 
Sau khi đã lên được ý tưởng, hãy tạm gác chúng qua một bên. Việc cần làm lúc này là tổng hợp thông tin cần chuyển tải trên namecard.
Việc này tưởng như rất dễ nhưng không hề đơn giản, 1 designer lành nghề sẽ tùy vào đối tượng khách hàng mà có thể sẽ tư vấn cho họ trong rất nhiều thông tin họ muốn, điều gì nên được ưu tiên thể hiện như:
2.1 Họ tên và chức vụ:
Tên tuổi và chức vụ cụ thể sẽ tạo được sự tin tưởng của người nhận. Tên tuổi cần chính xác, rõ ràng trong khi chức vụ thì có thể thêm thắt 1 chút để trở nên sáng tạo hơn (nhưng đặc biệt tránh xa những từ sáo rỗng như “chuyên gia” (ninja, guru, …).
Nếu khách hàng gặp khó khăn trong việc sáng tạo ra 1 tên gọi khác cho chức vụ của mình thì hãy quay về điều đơn giản nhất - một chức vụ rõ ràng (đơn giản như “Họa sỹ manga” sẽ hiệu quả hơn là những từ chung chung như “Họa sỹ” hay “Họa sỹ minh họa”)

2.2 Tên và logo công ty:
Có thể bỏ qua phần này nếu chủ nhân namecard làm việc độc lập; nhưng nếu họ làm việc cho một công ty thì cần dành thời gian nhấn mạnh vào logo và tên công ty đó.
2.3 Số điện thoại: 
Số điện thoại là cực kỳ quan trọng. Tin hay không tùy bạn, nhưng nhiều người vẫn thích cầm điện thoại nói chuyện hơn là vào website hoặc gửi email.
Nên có một số điện thoại riêng dành cho công việc. Nếu có nhiều hơn 1 số điện thoại, cần ghi rõ số nào dành cho mục đích nào.
2.4 Email và URL: 
Tương tự với số điện thoại, nên có một email riêng phục vụ công việc – điều này còn giúp namecard trông chuyên nghiệp hơn. Thường email sẽ để cạnh địa chỉ website.
(Có thể thêm đường link dẫn về blog, youtube hay những trang mà từ đó có thể thu hút được khách hàng tiềm năng. Trường hợp URL quá dài, có thể thu ngắn link bằng các trang hỗ trợ như bitly, google shortener,…)
2.5 Mạng xã hội: 
Quy tắc chung cần nhớ là: chỉ trình bày những trang mạng xã hội CÓ LIÊN QUAN. Để làm được điều này cần có sự thấu hiểu về thương hiệu/khách hàng. Ví dụ, một công ty chuyên về môi giới chứng khoán thì không cần đến tài khoản instagram đâu!

2.6 Mã QR: 
Tuy chiếm khá nhiều không gian nhưng QR code vẫn là công cụ hiệu quả nhất để liên kết thông tin trên giấy và online. Về mặt hình ảnh thì chúng bắt mắt hơn nhiều so với URL, do đó chúng chuyên nghiệp nhưng cũng không kém phần gần gũi.
* Điểm sáng tạo: Ngoài cách link QR code về website, ta có thể ứng dụng nó một cách sáng tạo hơn, ví dụ, hãy sử dụng ANT (nametag bằng âm thanh) để khi scan QR code, người ta sẽ biết cách đọc tên của chủ nhân namecard.

2.7 Địa chỉ và bản đồ: 
Ngày nay khá nhiều công ty và cá nhân chọn hình thức làm việc online thay vì tập trung ở một văn phòng truyền thống. Nên mục địa chỉ sẽ linh động tùy theo đặc thù công ty. Ngoài ra nếu đã có 1 website đủ mạnh, bạn không cần để địa chỉ nữa, trừ khi khách hàng tiềm năng của mình thường muốn đến tận nơi để gặp mặt.

À, cũng có trường hợp địa chỉ dù rất rõ ràng nhưng đường đi thì dễ làm người ta bối rối. Lúc này 1 bản đồ mini dẫn đường là rất cần thiết. Khá dễ thực hiện điều này với Google Maps, miễn là bạn có ghi rõ quyền copyright. Bạn cũng có thể tự vẽ bản đồ bằng Illustrator nếu muốn kiểm soát những thông tin cần thiết.

2.8 Những nội dung hỗ trợ:
Sau khi đã xong phần cơ bản về LÀM THẾ NÀO để liên hệ, hãy tiếp tục thêm các kêu gọi hành động (CTA – call to action) để thuyết phục khách hàng VÌ SAO phải liên hệ.
Nếu như tagline là cách đơn giản hiệu quả để giới thiệu về khách hàng cũng như lĩnh vực của kinh doanh thì CTA lại là một lời yêu cầu thúc đẩy khách hàng thực hiện thao tác người gửi namecard mong muốn. (ví du: “Hãy gọi để nhận báo giá miễn phí!” hoặc “Hãy ghé thăm website của chúng tôi”). Lưu ý là chỉ nên dùng một CTA duy nhất để tránh làm khách hàng bị rối.


2.9 Hình ảnh hoặc minh họa 
Hình ảnh được lựa chọn khi cần thể hiện những điều mà từ ngữ không thể nói hết (chẳng hạn bạn có thể dùng ảnh chụp giới thiệu các công trình hoặc dự án tâm đắc nhất mà bạn đã thực hiện, hoặc dùng ảnh chân dung để nhắc nhở đối tác tiềm năng về chủ sở hữu tấm card).
Ảnh chân dung đặc biệt hiệu quả vì nó giúp người nhận card có thể liên hệ cái tên trên danh thiếp với người mà họ từng gặp. Nhưng cần đảm bảo rằng đó phải là một tấm ảnh phù hợp. Một vẻ mặt dí dỏm thì cũng dễ thương, nhưng ảnh selfie mỏ vịt thì tuyệt đối không nhé!

Nếu hình ảnh khách hàng cung cấp không đủ chất lượng hoặc chưa phù hợp bạn có thể thay thế chúng bằng một hình vẽ minh họa. Có thể là chân dung biếm họa của khách hàng (nhưng hãy hỏi ý kiến họ trước) hoặc là một bức phác thảo tả thực sản phẩm của họ. Hãy thỏa sức sáng tạo! Đảm bảo với bạn một ảnh minh họa tốt sẽ khiến tấm name card nổi bần bật.

Một điểm lưu ý khác là nếu bạn chọn dùng hình ảnh thì độ phân giải ảnh cần tối thiểu là 300Dpi. Ảnh lấy từ internet không chỉ gặp vấn đề về bản quyền, mà còn không đạt đủ độ phân giải (72 Dpi là độ phân giải trên màn hình chứ không phải dành cho in ấn). Hình ảnh được mua từ trang stock (nhớ xác nhận chúng) cần được nhúng ảnh vào file ảnh minh họa, hoặc gửi đính kèm file ảnh với file thiết kế cuối cùng tới xưởng in.

3. Chọn hệ màu 
Màu sắc là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Nghiên cứu cho thấy mọi người có xu hướng giữ lại các namecard có màu sắc đẹp nhiều hơn 10 lần so với card đen trắng thông thường. Màu sắc tốt nhất cho danh thiếp đó là nền đen và điểm nhấn màu đỏ vì cặp đôi này rất nổi bật. Tuy nhiên, màu sắc thu hút chú ý chưa chắc đã phù hợp với nhu cầu của khách hàng, do đó cần nhiều cân nhắc.
Công việc sẽ dễ dàng hơn cho bạn nếu khách hàng đã có sẵn một hệ màu từ trước. Nếu không, bạn phải tự lên bảng màu để phù hợp với ý thích của họ. Nên giới hạn ở 2-3 màu – quá nhiều màu sắc sẽ gây rối mắt. Cần đảm bảo các màu được chọn phù hợp với mục tiêu ban đầu. Đừng chọn một màu chỉ đơn giản vì bạn thấy nó đẹp. Namecard là đại diện cho khách hàng, chứ không phải cho bạn.

(Ngoài ra, việc chọn chế độ màu CMYK cũng cần tập trung lưu ý để chuẩn bị cho khâu in ấn. Dù CMYK là cài đặt màu mặc định cho nhiều phần mềm thông dụng, nhưng bạn vẫn nên kiểm tra cẩn thận và đảm bảo chế độ màu file thiết kế của mình được thiết lập theo hệ màu CMYK, không phải là RGB. Sau đây là những bước để kiểm tra xem chế độ màu của file thiết kế:
• Photoshop: Image -> Mode -> CMYK Color
• Illustrator: File -> Document Color Mode -> CMYK Color
• InDesign: Window -> Color (click nút tùy chọn khi bảng panel xuất hiện và đảm bảo tùy chọn CMYK đã được kiểm tra).

4. Chọn kiểu typo 
Kết hợp các font sao cho phù hợp và đẹp mắt là một công việc không hề đơn giản. Tốt nhất nên giới hạn ở 2 hoặc 3 font. Cũng giống như màu sắc, càng nhiều font sẽ càng gây “bối rối”. Nên chọn một font dễ đọc, sau đó chọn tiếp một font bắt mắt để làm tiêu đề/điểm nhấn. Bằng cách này, bạn thêm phần thẩm mỹ nhưng vẫn không đánh mất đi tính tiện ích (dễ đọc).

Cũng có thể tạo cấp bậc cho các text, với những thông tin quan trọng nhất (tên khách hàng và website) có ưu tiên cao hơn. Kích thước font phụ thuộc vào bố cục chung và số lượng text cần bỏ vào, nhưng ít nhất nên từ size 8 trở lên để người xem có thể đọc được.

5. Lên bố cục 
Đến thời điểm này, bạn đã tính đến tất cả mọi yếu tố cần thiết, đây là lúc để kết hợp chúng lại với nhau. Bố cục cần dễ đọc và đảm bảo thẩm mỹ, nhưng cũng phải “nhét” rất nhiều thông tin vào một không gian nhỏ xíu của namecard. Đây là một thử thách khó khăn nhất.
Đầu tiên, hãy lập cấp bậc với kích thước. Yếu tố nào càng quan trọng thì chúng sẽ được cấp nhiều “diện tích” hơn. Các yếu tố có mức quan trọng ngang nhau sẽ được đặt gần nhau. Điểm nhấn – thường là tên hoặc logo – là yếu tố lớn nhầt, chiếm ¼ tổng thể chung.

Trong quá trình lên cấp bậc, bạn sẽ bắt đầu nhận ra thiết kế của mình có chật chội quá hay không. Khoảng trắng cũng là một yếu tố rất quan trọng, mỗi yêu tố cần được cấp một khoảng trắng của riêng mình. Nếu thiết kế của bạn đang hoàn toàn không có khoảng trắng nào, bạn nên cân nhắc bỏ một vài thứ đi, hoặc dùng đến mặt sau của namecard.
(Một số người cho rằng mặt sau namecard nên được để trống để mọi người có thể ghi chú ở đó. Thật ra, khả năng này sẽ không xảy ra nếu mặt trước namecard quá chật chội và khó đọc. Đem thông tin liên hệ ra đằng sau sẽ là một ý hay nếu bạn có hình ảnh, hình minh họa hoặc logo đẹp ở phía trước.)
Giả dụ bạn đã tạo cấp bậc, sử dụng khoảng trắng, và chuyển bớt thông tin ra mặt sau rồi nhưng thiết kế của bạn vẫn còn rất chật chội thì nên làm sao đây? Hãy cân nhắc một giải pháp hoàn toàn mới, ví dụ, chuyển từ bố cục ngang sang bố cục dọc và ngược lại. Một cách nhìn mới sẽ giúp bạn nghĩ ra hướng đi hơn là cứ bám và chỉnh sửa tiếp tục cái cũ.
Hoặc, chọn 5 yếu tố quan trọng nhất và bỏ hết mọi thứ còn lại. Nghiêm túc đấy! Bạn sẽ ngạc nhiên vì thiết kế của mình sẽ trông sáng sủa hơn trước rất nhiều.

6. Chọn chất liệu
Giữa nhiều loại chất liệu như plastic, kim loại, vải, gỗ, … giấy vẫn là chất liệu phổ thông nhất để in ấn. Nhiều designer cố tìm kiếm một loại chất liệu là để gây ấn tượng cho namecard nhưng nếu khách hàng không yêu cầu từ trước, bạn đừng dành đến 12 tiếng chỉ để thiết kế một tấm danh thiếp mạ vàng, cắt in trên bản nhựa lạ mắt. Phương án tốt nhất là bắt đầu với namecard in màu hai mặt trên giấy.
Bởi vì riêng về giấy cũng có rất nhiều loại để bạn lựa chọn, chỉ cần lựa chọn loại giấy lạ nhưng hợp lý cũng đủ gây ấn tượng (những chất liệu khác sẽ được ưu tiên cân nhắc khi gặp trường hợp nó gần gũi và lý giải lĩnh vực kinh doanh của chủ nhân namecard – như các ngành nghề liên quan tới vật liệu). Một số chất liệu bạn có thể xem xét lựa chọn:
- Giấy chất lượng cao: dù phương án cuối cùng là chỉ sử dụng giấy trắng thông thường, namecard vẫn đủ độ tinh tế và sang trọng nếu chất liệu được lựa chọn in có chất lượng tốt (từ 14 point đến 24 point).

- Giấy tái chế: gắn liền với suy nghĩ là cực kỳ phù hợp với những nhóm ngành cần thông điệp “thân thiện với môi trường”, nhưng thật ra ngay cả những ngành không liên quan vẫn có thể sử dụng chúng. Hơn 9 tỷ namecard bị vứt đi mỗi năm, do đó dùng giấy tái chế sẽ hạn chế số rác thải này, giúp bảo vệ môi trường và hơn hết là tiết kiệm chi phí hơn.

- Chất liệu lạ: Bạn nghĩ sao nếu nhận được một namecard làm từ da, gỗ, kim loại, giấy nhám hay thậm chí… thức ăn? Nghe có vẻ kỳ cục, nhưng chúng sẽ mang lại những trải nghiệm khó quên với người nhận.

Kim loại có ưu điểm: bền, đặc biệt và … rất đắt tiền. Nhưng các designer vẫn có thể tư vấn khách hàng chọn chất liệu này nếu cần thiết vì tính theo đường dài, namecard kim loại giúp họ giảm vốn đầu tư bởi có thể giữ lại sử dụng trong nhiều năm.
* Điểm sáng tạo: 1 namecard tích hợp có thể sử dụng như đồ dùng trong nhà bếp, nam châm hoặc các công cụ tiện ích khác sẽ có tuổi đời được lưu giữ cao hơn vì đạt tính “đa mục đích”.

Ngược lại với kim loại, chất liệu là thức ăn thường có tuổi đời thấp do thay vì vứt chúng đi, người nhận có thể…ăn luôn namecard. Có thể thử với chocolate, khô bò vì chúng dễ bảo quản và là món ăn nhẹ phổ biến. Đối với những thức ăn không thể in được, bạn có thể đính thành mẫu nhỏ kèm namecard. Hoặc, in namecard trên giấy gói và bên trong là món quà bất ngờ. Tuổi thọ ngắn ngủi (vì sớm kết thúc trong dạ dày), nhưng những namecard này để lại ấn tượng rất đặc biệt.

*** Sử dụng những chất liệu khác lạ là cơ hội, nhưng không may nó cũng là thách thức khả năng in ấn vì những máy in thường không hỗ trợ những chất liệu đặc biệt.

7. Phương pháp in ấn, gia công và tạo hình 
Sau chất liệu. dự trù phương pháp gia công và tạo hình cũng là điều cần cân nhắc lúc này. Chất liệu sẽ quyết định phương pháp in ấn. Bạn không thể in một loại mực không ăn được trên khô bò. Những chất liệu lạ như thịt và kim loại chỉ có thể in theo một cách duy nhất. Tuy nhiên nếu chọn in trên giấy bạn sẽ có rất nhiều phương pháp khác nhau.
7.1 In PMS 
PMS là viết tắt của Pantone Matching System; trong phương pháp này mực in sẽ được pha trộn trước theo một màu pantone nhất định rồi mới tiến hành in. In PMS đặc biệt phù hợp nếu bạn cần in theo một màu chuẩn (vd, màu logo, hoặc một hệ màu đặt trước). Phương pháp này cũng cho phép bạn sử dụng những màu mà hệ màu CMYK không in được (vd, màu cam hoặc xanh navy) hoặc những màu đặc biệt như màu dạ quang (neon) hoặc kim loại.

7.2 In 4 màu 
In 4 màu, còn gọi là in CMYK vì mỗi màu được kết hợp theo tỷ lệ từ 4 màu cyan, magenta, vàng, và đen. Bốn loại mực được đặt trên giấy trong lớp các điểm kết hợp để tạo ra những ảo ảnh của nhiều màu sắc hơn. Phương pháp này cho màu sắc sống động, rất phù hợp với các tác phẩm nhiếp ảnh hoặc thiết kế có từ 4 màu trở lên.
7.3 Ép kim: 
Có thể coi là 1 nhánh của in chuyển nhiệt, nguyên lý dùng nhiệt độ, áp lực và thời gian để tạo họa tiết nhũ kim trên vật cần in bằng khuôn kẽm nổi. Có rất nhiều lựa chọn nhũ để bạn lựa chọn.

7.4 In nổi / in chìm 
Trong kỹ thuật này, các thiết kế sẽ được đóng từ dưới lên (in nổi) hoặc từ trên xuống (in chìm) trên mặt giấy. Kỹ thuật này thường được kết hợp với những kỹ thuật khác, ví dụ như ép kim, để tạo nên tổng thể tinh tế và mang tính thẩm mỹ cao. Cần lưu ý khi in nổi text vì nếu chữ quá nhỏ hoặc không được ép kim đi kèm thì sẽ rất khó đọc.

GIA CÔNG
Cán màng 
Trong in ấn, cán màng là kỹ thuật cán nilon bóng hoặc mờ nhằm tăng độ bền màu và khả năng đứng thẳng, chống thấm nước, cũng như tăng độ sáng và độ bóng cho sản phẩm, tránh bụi bẩn (có thể lau sạch bằng khăn ướt, vì có lớp nilon bên ngoài). Cán màng thường được liệt vào giai đoạn thành phẩm vì thực hiện sau khi in xong, tuy nhiên nếu có thể ta cần suy nghĩ trước vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của tác phẩm hoàn thiện (Nếu đã chọn in nổi hoặc ép kim, có thể không cần cán màng vì nó sẽ ảnh hưởng đến hiệu ứng mong muốn). Một số phương pháp cán màng thông dụng bạn có thể cân nhắc:
Ø Aqueous: có gốc nước và thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ cho giấy khỏi trầy xước và bụi bẩn. Có các dạng khác nhau từ bóng đến mờ.


Ø Cán laminate: Phương pháp này thường đắt hơn so với aqueous nhưng lại bảo vệ tốt hơn nhiều, giúp namecard bền hơn.


Ø UV: Cán màng UV không giúp nâng cao độ bền nhưng ngược lại nó mang đến sự phản chiếu rất tốt, tốt hơn cả phương pháp Aqueous. Phương pháp này giúp màu sắc trở nên đẹp và sống động hơn.


Ø Spot: Bạn không nhất thiết phải cán màng toàn bộ, hoặc chỉ giới hạn trong một phương pháp cán màng duy nhất. Ngược lại, bạn có thể cán một chi tiết đặc biệt trong namecard, và kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để tạo điểm nhấn mong muốn.


Dán: là phương pháp tạo thành những lớp layer khác nhau trên namecard.

In khoét (die-cut): Danh thiếp được đục lỗ, hoặc khoét bất kỳ hình tượng nào mà designer có thể nghĩ ra và gia công được. In khoét cũng cho phép tạo ra khoảng trống giữa namecard hỗ trợ cho các thiết kế tương tác hoặc trở thành … khuôn tô màu.


Dập nổi: Một kỹ thuật đơn giản nhưng sẽ tạo nên hiệu ứng thị giác 3D cho các biểu tượng và typography cần nhấn.

Tạo hình độc đáo với thiết kế 3D: namecard không còn là một mẩu giấy nữa mà đã trở thành một vật thể (tất nhiên là có thông tin khách hàng trên đó). Chắc chắn nó sẽ luôn luôn nổi bật và được giữ lại hơn là vứt đi. Tuy nhiên, thiết kế 3D cũng có khuyết điểm là bất tiện và cồng kềnh, khó bỏ vào ví. Nên cân nhắc kỹ thiệt hơn trước khi chọn con đường 3D nhé!

*** Mẹo: để tạo hình một cách đẹp mắt, hãy bo tròn các góc của namecard. Ngoài yếu tố mỹ thuật thì việc này còn giúp namecard tránh bị quăng góc hoặc sờn, mòn.

8. Chuẩn bị in ấn 
Trái với suy nghĩ thông thường, thành phẩm in ấn có đẹp hay không là trách nhiệm của nhà in. Là một designer, trách nhiệm cũng đặt trên vai bạn. Để làm được điều này, các giao tiếp, kết nối tốt và thường xuyên với nhà in trong quá trình in ấn là rất cần thiết. Để kết quả in được tốt nhất, việc chuẩn bị file in phải thật kỹ lưỡng, đặc biệt khi bạn thiết kế cho chính mình hoặc cho những khách hàng chưa có nhiều kinh nghiệm:

Chèn xén, canh lề và các khoảng an toàn 
Các sai lệch nhỏ do lỗi chèn xén, canh lề, … thường rất khó thấy, nhưng cũng có khi chúng phá hỏng hoàn toàn thiết kế. Nên dự tính trước và loại bỏ nguy cơ này với khoảng chừa chèn xén ít nhất 3mm. Để an toàn hơn nữa, cần đảm bảo mọi yếu tố đều nằm trong vùng an toàn – thường là 5mm tính từ mép card. Không nên dùng đường viền vì rất khó để cắt đều.


Màu sắc, độ phân giải và đuôi file
Kiểm tra lại về hệ màu đã chọn có phù hợp với phương pháp in chưa (CMYK hoặc PMS, đừng bao giờ chọn RGB). Để thành phẩm in ra có chất lượng rõ nét, hãy luôn nhớ đảm bảo rằng độ phân giải ở mức tối thiểu là 300ppi.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là khâu save file. Chúng tôi khuyên bạn nên save file ở đuôi pdf, trừ khi nhà in của bạn có yêu cầu khác. File PDF dễ mở và thường rõ hơn JPG hoặc PNG.
Kiểm tra lại chính tả 
Bạn có thể không nghe bất cứ lời khuyên nào phía trên, nhưng đừng bỏ qua lời khuyên này: Luôn luôn, luôn kiểm tra lỗi chính tả. Một sai sót nhỏ có thể khiến tất cả namecard bị vứt vào sọt và tiêu đời mọi công sức cũng như tiền bạc!!!
Không xài đồ miễn phí 
Nếu khách hàng nói họ tìm được một chỗ in ấn “miễn phí”, hãy thận trọng bởi vì chuyện này rất đáng ngờ. Có thể họ in miễn phí thật, nhưng đằng sau namecard sẽ được lồng thêm thông tin chi tiết của nhà in. Cần tránh xa kiểu in ấn này vì namecard chỉ nên quảng bá cho một đối tượng duy nhất. Quảng cáo lồng ghép sẽ khiến cho namecard trông rẻ tiền và không chuyên nghiệp.
Nếu khách hàng muốn giá rẻ hơn, hãy đề nghị họ in số lượng nhiều hơn vì có một quy tắc bất thành văn trong ngành in, đó là càng in nhiều giá sẽ càng rẻ.

Lời kết 
Các bước hướng dẫn trên có vẻ như rất nhiều việc, nhưng thực hiện được sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Hãy làm theo danh sách này để đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của khách hàng, file thiết kế thành phẩm dễ dàng thích ứng với các nhà in và các thông số in khác nhau nhé.


* Tại sao chúng tôi lại sử dụng từ “tối thiểu” khi nói về hiệu quả của danh mục trong bài blog này. Đó là vì yêu cầu của khách hàng là đa dạng và không có giới hạn. Một trong những điều tuyệt vời của công việc thiết kế đó là mang lại bất ngờ cho người khác. Thực hiện đúng theo từng bước hướng dẫn nhưng phải cùng đi cùng với một ý tưởng sáng tạo phù hợp. Vì nếu không chúng ta sẽ lại đi theo lối mòn trong khi bạn hoàn toàn có thể sáng tạo nên một namecard đặc biệt và mang dấu ấn của riêng mình – một namecard không còn là một mẩu giấy bình thường mà chính là một tác phẩm nghệ thuật, một đối tượng có tính cách và cảm xúc, với một thông điệp rất riêng?!

(Theo companyfolder)

Tuesday, April 5, 2016

TẠI SAO KHÁCH HÀNG VÀ DESIGNER LUÔN MÂU THUẪN NHAU?

Một vấn đề mà hầu hết các designer đều gặp phải là khó khăn khi phải làm việc cùng khách hàngThiết kế CIP, leaflet, brochure, dựng clip 3D … là đa phần công việc họ phải làm. Trong mỗi thiết kế đều có những yêu cầu riêng và cần họ đặt hết tất cả tâm huyết, sự sáng tạo vào. Tuy nhiên, kết cục thường thấy và là nỗi đau không nói nên lời của họ là khi: Những thiết kế ưng ý nhất luôn bị khách hàng chối bỏ. 

Thật ra, không cần phải là designer bạn mới hiểu những cảm giác này, cứ tưởng tượng bạn đặt hết sức lực, thời gian vào một công việc duy nhất. Cuối cùng, tạo ra một sản phẩm mà bạn cho là ưng ý nhất và sản phẩm ấy sau đó bị tất cả mọi người gạch đi, coi là không giá trị. Chính những điều này khiến dân thiết kế luôn hụt hẫng, đau đầu, dần dần dẫn đến việc chán nản với nghề. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các trang như Đi khách, Cuộc sống Agency lại nhận được nhiều quan tâm như vậy trong thời gian qua. Vậy tại sao khách hàng và designer luôn có mâu thuẫn với nhau trong khi họ lại là những đối tác không thể sống thiếu nhau? Bạn có bao giờ thử giải đáp?
Nền tảng tư duy đối lập nhau
Bước vào ngành sáng tạo, có thể bạn đã tự hỏi khá nhiều lần (hoặc với nội dung tương tự) khi đang làm việc với khách hàng: 
  • Tại sao khách hàng chỉ chăm chăm đòi hỏi việc thể hiện một chi tiết nhỏ của sản phẩm trong thiết kế mà không quan tâm đến hiệu quả của những chi tiết khác quan trọng hơn và cần làm ưu tiên? 
  • Tại sao khách hàng cứ rập khuôn theo những gì mình biết, mặc dù điều này đã lỗi thời từ lâu? 
  • Bực mình nhất là đôi lúc cảm thấy họ thật thiển cận, cứ chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt, mà lại không để ý đến hiệu quả tổng thể 
  • Thỉnh thoảng khi làm việc với những khách hàng đẳng cấp như CEO chẳng hạn, nhưng chúng ta lại cảm thấy họ như ông(lão) không biết gì? Nói hoài phát mệt! 
Điểm chung của tất cả những câu hỏi trên là bạn đang tự hỏi: "Tại sao? Họ không làm theo giải pháp hoặc ý kiến của tôi? Khách hàng thật là ngốc nghếch!"

Câu trả lời rất đơn giản, là vì góc nhìn và mối quan tâm của chúng ta và khách hàng (cụ thể là các bạn làm bộ phận marketing) khác nhau:
(1) File thiết kế: Được ban giám đốc (“sếp lớn” hoặc “sếp tổng”) duyệt nhưng phần lớn các sếp thường sử dụng cảm nhận của mình là chính. Một là thích, hai là không thích. Còn hỏi tại sao sếp không thích thì hiếm khi nào có câu trả lời cụ thể. Vì sao ư? Các sếp lớn được đào tạo để suy nghĩ như những người làm kinh doanh, sản sinh ra lợi nhuận cho nên nếu bạn hy vọng sếp có thể nói ra là “anh không thích font Myriad Pro, em chuyển qua xài font Helvetica đi” hay “em cho tăng màu magenta lên chút xíu nữa” thì có lẽ bạn là thằng designer may mắn nhất thế gian này rồi.
(2) Quan điểm của khách hàng là đạt hiệu quả cao trong chiến dịch marketing (được đánh giá dựa trên các con số: lượng người tham gia, lượt view, doanh thu…) Trong khi đó, mối quan tâm của bạn – một designer yêu nghề – là làm sao cho thiết kế này đẹp. Trong rất nhiều trường hợp (nếu không muốn nói là tất cả), quan điểm về cái đẹp (đặc biệt là cái đẹp này phải đem lại hiệu quả về các con số) là rất khác nhau ở mỗi người. Bạn nói như vậy là đẹp nhưng khách hàng của bạn cho như vậy là chưa đẹp, chưa đủ để thu hút khách hàng của họ. Kết quả thì sao? Người có tiền thường có quyền.


Có thể nói ngắn gọn thế này, tư duy của một bên là làm kinh doanh và một bên là làm mỹ thuật với những mục tiêu khác nhau thì việc hòa hợp trong ý kiến là chuyện không tưởng.

Phạm vi kinh nghiệm khác nhau
Chúng tôi xin kể lại một câu chuyện đã từng được chứng kiến về quá trình "giao lưu tình cảm" giữa Designer và Khách hàng như sau:

Câu chuyện 1: Khách hàng: "Em ơi, sao em làm có mấy cái box mà lâu vậy? Cái này mở file Word ra làm có mấy phút là xong mà"
Câu chuyện 2: Khách hàng: "Em à, cô người mẫu trong hình này nhìn Tây quá mà sản phẩm của chị có đối tượng là người Việt. Nhưng chị rất thích hình này, em làm sao cho cô người mẫu Tây này nhìn giống người Việt chút nha!"

Trong thực tế, có hai dạng khách hàng
1. Theo như câu chuyện đầu tiên, họ chưa hiểu hết và nghĩ công việc của Designer đơn giản là lắp ghép hình và sử dụng các phần mềm (mang tên là Adobe nhưng cũng đơn giản như Microsoft Office)
2. Theo như câu chuyện thứ 2, họ gần như thần thánh hóa các công cụ thiết kế. Với họ, Photoshop có thể làm bất cứ điều gì, ví dụ như biến một cô người mẫu Tây thành người Việt chẳng hạn.
Bạn tự hỏi tại sao lại như vậy? Lý do là công việc của khách hàng hầu như chỉ quẩn quanh các phần mềm như Word, Powerpoint, Excel cho nên họ tự nghĩ các phần mềm khác cũng tương tự. Việc tự mình suy ra người này không chỉ có ở trong ngành sáng tạo này thôi đâu các bạn ạ. Ở khắp nơi đấy! Hoặc cũng có khi khách hàng xem được các video trên Youtube về sự kì diệu của Photoshop rồi lại tin rằng đó là công cụ thần thánh nhất, một phát minh vĩ đại nhất của cuộc cách mạng công nghệ mà quên rằng đó cũng chỉ là một phần mềm với những chức năng có giới hạn.

Bên trả tiền – bên nhận thù lao
Xét cho cùng thì mối quan hệ giữa khách hàng và designer là bên trả tiền – bên nhận thù lao. Và nhiều đời nay, dù là lĩnh vực nào, người trả tiền luôn luôn muốn nhận được nhiều hơn cho số tiền mình đã trả, cũng giống như bạn ra chợ mua bó rau thì phải cố tìm cho được chỗ nào bán rau rẻ nhất rồi khi chọn được rồi cũng cố nài nỉ bà bán rau kèm thêm chút hành lá, tí ớt tươi miễn phí. Đó cũng cùng là lý do bạn từng nghe những câu từ khách hàng như: “Chị thấy vầy đẹp rồi, nhưng em làm thêm vài ba option nữa cho chị so sánh nha”. Dù đau lòng những cũng dễ hiểu mà đúng không?

Tạm kết:
Mối quan hệ giữa các nhà thiết kế đồ họa và khách hàng là một khía cạnh quan trọng trong hiệu quả làm việc của bất kỳ agency sáng tạo nào. Thiết kế được trình bày như thế nào, ý kiến của khách hàng ra sao,.. đều có thể tác động lên thiết kế cuối cùng. Designer và khách hàng có thể có quan điểm khác nhau từ 1 bản brief, nhưng kết quả thiết kế sẽ chỉ có một. Thiết kế đồ họa phải là một giải pháp win-win giữa các nhà thiết kế và khách hàng, do đó nó là quyết định chung tốt nhất cuối cùng. Designer Sok Hwee đã thực hiện một tập sách thể hiện những suy nghĩ khác nhau giữa các nhà thiết kế (bên trái) và khách hàng (bên phải). Mục đích của nó phục vụ như là một sự phản ánh cho các nhà thiết kế trẻ, để suy nghĩ và tạo mối quan hệ tốt của họ với khách hàng, hãy cùng SDmedia tham khảo thử nhé. Đây cũng chính là lời kết cho bài blog tuần này. Hy vọng bạn, dù là khách hàng hay designer, sau bài viết này sẽ hiểu thêm về đối phương và có sự hợp tác vui vẻ và hiệu quả hơn. 

(Nguồn: Tổng hợp)